Trong gia đình, các con đôi khi cứ vô tư đón nhận sự hy sinh lặng lẽ của cha mẹ như điều đương nhiên, chỉ đến khi mẹ ốm nặng, biến cố ập đến, các con mới sực tỉnh.
Chia sẻ về những ngày biết tin mẹ bệnh trọng, Trần Như Quỳnh (30 tuổi, ở Hà Nội) nhớ lại, cuối tháng 3/2023 mẹ của Quỳnh là bà Hoàng Thị Hường (58 tuổi) có triệu chứng đau họng, đau nửa đầu và nghe không rõ nên đi khám ở một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội.
Vài hôm sau bác sĩ gọi để nhận kết quả và có nói trước là sức khoẻ của mẹ có vấn đề không ổn, bác sĩ hẹn người thân gặp ở phòng khám sẽ nói rõ hơn.
Lúc này cả nhà Quỳnh ai cũng linh cảm có tin dữ rồi, nhưng vẫn hy vọng mong manh là bác sĩ chẩn đoán sai, bố mẹ Quỳnh tiếp tục mang hồ sơ sang thêm mấy bệnh viện có chuyên khoa Ung thư để bác sĩ sinh thiết lại. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả các bệnh viện đều cho chung một kết quả là bà Hường bị ung thu vòm họng.
"Nghe tin mẹ ốm nặng, cả nhà mình đều sốc, không khí u ám bao phủ, rồi các thành viên ai cũng khóc nức nở. Chiều hôm đấy, nghe tin xong, bố mình không dám khóc ở nhà sợ mẹ với các con buồn, thay vào đó bố lặng lẽ vừa đi bộ ngoài đường, vừa khóc như một đứa trẻ, người đi đường ai cũng nhìn", Quỳnh nhớ lại.
Nhận tin mẹ bệnh, cảm xúc của cả nhà từ sốc nặng, đau khổ, thậm chí bố Quỳnh khóc nhiều tới nỗi mẹ Quỳnh còn bảo: "Bây giờ anh phải làm chỗ dựa cho em chứ, anh khóc nhiều vậy em biết phải làm thế nào?". Và rồi cả nhà dần lấy lại tình thần, chấp nhận sự thật và cùng mẹ chiến đấu với bệnh tật.
Lo sợ bệnh của mẹ chuyển biến nặng, rụng hết tóc, hoặc không may, sắp tới không còn mẹ, trước hôm bà Hường nhập viện để bắt đầu chữa K, cả gia đình Quỳnh quyết định chụp một bộ ảnh gia đình. Bộ ảnh đó có tất cả thành viên: ông ngoại, bố mẹ, anh trai, chị dâu, Quỳnh và 1 chú chó 6 tuổi.
Sau buổi chụp ảnh, cả nhà đưa mẹ ra viện, trên xe mọi người động viên mẹ nhưng trong lòng ai cũng ngổn ngang. Lúc hình ảnh bố cùng mẹ xách làn vào cổng viện dần khuất, 3 anh em Quỳnh trở lại xe khóc như một đứa trẻ. Thời điểm đó, chị dâu Quỳnh đang mang bầu tháng thứ 2 nên mọi thứ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thời gian mẹ Quỳnh vào viện điều trị, cả nhà thay nhau vào viện chăm mẹ, nhưng bố Quỳnh vẫn là chính vì ông dễ xin nghỉ làm hơn các con.
Ở viện, bố Quỳnh chăm mẹ không nề hà việc gì, chỉ mong vợ bình phục. Trong ngày sinh nhật bố Quỳnh, ông cũng chỉ ao ước là vợ được khoẻ lại. Ở nhà, chị dâu bụng mang dạ chửa vẫn cùng anh trai Quỳnh hàng ngày đi chợ mua nguyên liệu về nấu cháo, ép nước trái cây cho mẹ, chuẩn bị cơm cho bố chăm mẹ ở viện trong các lần hoá trị.
Sau 1 tuần hoá trị, tóc bà Hường bắt đầu rụng, mỗi lần thức dậy, bà lại vơ được khoảng 3 nắm tóc đầy, kín cả một túi nilon cỡ vừa. Xót xa khi chứng kiến cảnh tượng đó, Quỳnh đã đưa mẹ ra tiệm tóc cạo trọc đầu để bà không phải nhìn thấy tóc mình càng ngày càng thưa thớt nữa.
Hoá trị xong, mẹ Quỳnh phải trải qua đợt xạ trị. Thời gian xạ trị mới là thời gian kinh khủng và ám ảnh với người bệnh và cả gia đình bệnh nhân. Xạ trị được khoảng 5 buổi, mẹ Quỳnh đuối sức, không ăn được gì phải truyền dinh dưỡng qua ống thông dạ dày.
Da cổ mẹ Quỳnh vì xạ trị mà cháy đen, người vàng vọt, mũi và cổ họng mưng mủ lở loét hết, máu tứa ra nên cực kì đau đớn. Có những đêm mẹ đau quá không ngủ được vẫn cố nhịn, tự lần mò đi vệ sinh chứ không làm phiền chồng con đang ngủ.
"Mẹ ốm cũng là lúc các con biết cách "làm con". Lần đầu tiên 2 đứa con ruột biết rửa chân, tắm rửa, vệ sinh mũi, miệng… cho mẹ. Nếu mẹ không bị bệnh chắc cả đời này hai đứa sẽ ko biết thương mẹ nhiều như thế", Quỳnh xúc động.
Sau nửa năm chống chọi với bệnh tật, mẹ Quỳnh may mắn hợp thuốc nên khối u dần tiêu biến. Bây giờ tóc mẹ mọc lại, sinh hoạt bình thường, niềm hạnh phúc nhân đôi khi cả nhà đón thêm 1 thành viên mới – con của anh trai, rất dễ thương.
"Nhìn lại nửa năm sóng gió, giờ đây sóng đã yên, biển đã lặng, ánh sáng, niềm vui đã trở lại với gia đình mình. Mình thầm biết ơn chị dâu Như Ngọc (sinh năm 1991) chính chị là là người nói câu: "chỉ khi bố mẹ ốm, các con mới biết cách làm con" với mình.
Mình đã khóc vì câu nói đó, bởi bố chị ấy cũng mất cách đây 2 năm nên hơn ai hết chị hiểu cảm giác mất bố mẹ do bệnh tật đau đớn như thế nào nên càng thương mẹ chồng hơn. Chính chị cũng là chỗ dựa cho anh trai mình hồi đầu biết tin mẹ bệnh", Quỳnh xúc động.
Và điều cuối cùng, Quỳnh muốn nhắn nhủ đó là, con cái hãy thể hiện tình yêu thương và dành nhiều thời gian cho bố mẹ càng nhiều càng tốt, bởi cuộc sống này vô thường.
"Từ ngày mẹ ốm, mỗi ngày mình đều ôm và nói lời yêu mẹ. Hơn nữa, dù công việc có hôm về muộn, nhưng mình cũng luôn cố gắng dành thời gian ăn cơm nhà để được trò chuyện với mọi người. Mình nhận ra, bữa cơm gia đình như sợi dây vô hình gắn kết các thành viên. Nhờ đó, cả nhà dễ dàng chia sẻ và hiểu nhau hơn", Quỳnh bộc bạch.