Tọa lạc trên khu đất rộng rãi, gần Quốc lộ 6, đoạn chạy qua bản Nà Hạ 1 (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vườn hồng Nguyệt Điền thuận tiện cho khách đến tham quan, lựa chọn cây hồng mà mình ưa thích.
Chủ nhân của vườn hồng là chị Nguyễn Thị Nguyệt - người phụ nữ đảm đang, nhiệt tình, mến khách.Cũng như nhiều người khách khác, khi chúng tôi đến, chị Nguyệt niềm nở đón tiếp, giới thiệu khá tường tận về các loại hồng cổ, hồng ngoại trong vườn.
Vườn hồng Nguyệt Điền nằm cạnh Quốc lộ 6, thuận tiện cho khách đến tham quan, mua hoa. |
Theo chị Nguyệt, trong vườn hồng nhà bà có đến cả vạn cây, chậu hồng, với 2 dòng chủ yếu là: hồng cổ và hồng ngoại. Mỗi dòng có đến hàng trăm giống. Nhiều giống hồng cổ, hồng ngoại quý hiếm cũng được chị Nguyệt sưu tầm về trồng, chăm sóc, nhân giống như: Hồng cổ Sơn La, hồng cổ Sa Pa, hồng cổ Vân Khôi, Juliet...
Chị Nguyễn Thị Nguyệt bên vườn hoa hồng trị giá cả tỷ đồng. |
“Hầu như trong vườn nhà tôi đều có các loại hồng cổ, hồng ngoại quý hiếm. Từ cây giống cho đến cây cổ thụ, loại nào cũng có, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với túi tiền của người chơi hoa. Cây hồng ngoại, hồng cổ hơn 1 năm tuổi có giá chừng 160.000 đồng/cây. Tôi có không ít những cây hồng giá lên đến hàng chục triệu đồng” – chị Nguyệt giới thiệu.
Dạo bước trong vườn hồng nhà chị Nguyệt, cảm giác thật khó tả. Vẻ đẹp quyến rũ của hàng trăm bông hoa hồng và mùi hương nhẹ nhẹ tỏa ra hút hồn người thưởng lãm.
Ngược dòng thời gian, chị Nguyệt kể cho chúng tôi nghe về niềm đam mê với hoa hồng của mình. Cách đây chừng 8 năm, chị Nguyệt bắt đầu chơi hoa. Khi đó chị chỉ trồng vài chậu hồng ngoại trên sân thượng ngôi nhà của gia đình, để ngắm cho vui Chăm sóc, ngắm hoa mỗi ngày vào sáng sớm, chị Nguyệt “mê đắm” vẻ đẹp của loài hoa hồng này lúc nào không hay. Thế rồi, chẳng mấy chốc sân thượng nhà chị đã chật cứng bởi những chậu hồng. Chị quyết định mua đất của người dân địa phương để trồng hoa cho thỏa niềm đam mê của mình.
“Khi tôi trồng hoa hồng trên khu đất gần Quốc lộ 6, thuộc bản Nà Hạ 1, nhiều người dân địa phương cười nhạo, bảo tôi dở hơi. Họ cho rằng, trồng cây ngô, cây sắn còn ăn được chứ trồng hoa thì ăn thế nào được mà trồng. Giờ thì ai cũng ngưỡng mộ bởi vườn hồng đẹp như tranh vẽ” – chị Nguyệt nhớ lại.
Cũng theo chị Nguyệt, sở dĩ vườn hồng nhà bà đẹp đến vậy là do bà sử dụng toàn bộ phân hữu cơ để trồng, chăm bón cho những cây hồng. Chị Nguyệt chủ yếu cho cây hồng “ăn” các loại phân: bò, lợn, gà ủ hoai mục và phân cá.
“Sử dụng phân hữu cơ bón cho hoa hồng, nhất là phân cá, nó không chỉ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt mà còn ra hoa đều, đẹp và bền hoa” – chị Nguyệt tiết lộ.
Anh Phạm Văn Hoài – khách mua hoa đến từ thành phố Sơn La, chia sẻ: “Tôi chơi hoa từ nhiều năm nay, từng đến khá nhiều vườn hoa hồng trong tỉnh, nhưng chưa thấy vườn hồng nào đẹp như vườn hồng Nguyệt Điền. Vườn hồng này, cây nào cũng đẹp, bông to, màu sắc rực rỡ, giá cả phải chăng...”.
Theo chị Nguyệt, vườn hồng nhà bà có nhiều gốc hồng cổ, giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. |
Không chỉ đẹp mà vườn hồng của chị Nguyệt đáp ứng được cả tiêu chí sạch. Chị không phun thuốc diệt cỏ mà thuê nhân công nhổ cỏ bằng lao động thủ công. Khi cây hồng xảy ra sâu bệnh, chị Nguyệt phun thuốc sinh học diệt trừ, chứ không phun thuốc hoa học.
Nằm ngay cạnh Quốc lộ 6 nên vườn hồng Nguyệt Điền luôn tấp nập khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, mua hoa, nhất là vào dịp giáp tết Nguyên đán. Bình quân một tháng, chị Nguyệt thu hơn 100 triệu đồng từ bán cây hoa hồng cho khách.