Ngày 28/5, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh người phụ nữ dùng tay bóp cổ, hai chân đạp liên tục vào một bé trai 5 tuổi đang nằm dưới nền nhà. Người phụ nữ vừa đánh bé trai vừa chửi thề, trong khi người cha của nạn nhân ngồi cạnh những không có biểu hiện can ngăn. Nhiều người đã phẫn nộ vì hành vi bạo hành của người này với cháu nhỏ.
Trao đổi về vụ việc, bà Bùi Thị Thúy Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương xác nhận, người phụ nữ đánh dã man bé trai trong video đang được chia sẻ trên mạng xã hội là người dân sống trên địa bàn. Người phụ nữ này là mẹ kế và bị tâm thần đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Hiện nay, các đơn vị liên quan đang có mặt tại hiện trường và lấy lời khai của những người liên quan nhằm xử lý theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh người mẹ ghẻ bạo hành con cắt từ video. |
Công an xã An Bình cho biết, người phụ nữ bạo hành dã man bé trai 5 tuổi (con riêng của chồng) là bà T.L. (34 tuổi) nhà ở tổ 4, ấp Nước Vàng (huyện Phú Giáo, Bình Dương). Công an xã An Bình cho biết, trước khi vụ việc này xảy ra bà T.L. cũng từng bạo hành con nhiều lần. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì phát hiện bà L. bị bệnh tâm thần. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chính quyền địa phương làm hồ sơ cho bà T.L. được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định.
Trao đổi cùng PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Hồng Giang – Trưởng văn phòng luật sư Vũ Lợi (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, trường hợp người mẹ bạo hành con trai ở Bình Dương có thể áp dụng luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hình sự… để xử lý.
Cụ thể, trong trường hợp mẹ ghẻ có hành vi tát liên tục vào mặt con, đè lên người, kéo lê bé trai trên nền nhà.. có thể áp dụng theo khoản 1, điều 2 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lức thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;...
Tùy theo hậu quả của việc bạo hành gây ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 có quy định như sau: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu người mẹ có các hành vi dẫn đến gây thương thích, tổn thương sức khỏe có thể áp dụng điều 140 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Điều 140 Bộ Luật hình sự quy định:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Giang cũng cho biết, vì bước đầu chính quyền cho rằng bà mẹ ghẻ bị tâm thần nên việc xử lý còn tùy thuộc vào mức độ nhận thức của bà này khi thực hiện hành vi bạo hành cháu bé và có thể sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sự việc xảy ra, trong đó có trách nhiệm của bố và mẹ đẻ của cháu bé cũng như các thành viên khác trong gia đình khi biết bà mẹ ghẻ bị tâm thần nhưng vẫn giao con, cháu cho bà này chăm sóc.