Đó là lời tuyên bố của Phó Chủ tịch Viện Công nghệ Thông tin và Điện tử Trung Quốc Wang Xiaomo trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo.
Với sự trình diễn của hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm đường không của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, Không quân Trung Quốc nhận ra rằng máy bay cảnh báo sớm tương tự loại E-2 và E-3 của Mỹ rất hữu ích trong xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Theo Nhân dân Nhật báo, ông Wang đã dành toàn bộ cuộc đời để phát triển hệ thống radar cho máy bay của Quân đội Trung Quốc và đã phát triển 3 hệ thống cảnh báo sớm đường không.
Ông Wang cũng đích thân đào tạo 18 chuyên gia trong việc phát triển máy bay cảnh báo sớm đường không của Trung Quốc. Trong khi hầu hết máy bay và hệ thống điều khiển được thiết kế cho Không quân và Hải quân Trung Quốc, thì một số cũng có thể xuất khẩu tới một vài quốc gia đồng minh.
"Cha đẻ" máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc, Wang Xiaomo. |
Hiện nay, trong Không quân Trung Quốc biên chế 2 loại máy bay cảnh báo sớm KJ-200 và KJ-2000. Trong đó, KJ-2000 được xem là loại hiện đại nhất, dùng khung gầm cơ sở máy bay vận tải Il-76 của Nga và trang bị hệ thống radar mạng pha có khả năng theo dõi 60-100 mục tiêu cùng lúc ở cự ly 400km và dẫn đường cho hàng chục tiêm kích trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm.
Cũng theo ông Wang, trong cuộc tập trận ở khu vực Tây Bắc năm 2012, 2 tiêm kích Không quân Trung Quốc lần đầu tiếp nhận dữ liệu mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm “made in China”.
Ngoài ra, theo tờ Nhân dân Nhật báo thì Trung Quốc gần đây tiến hành chuyến bay thử nghiệm máy bay cảnh báo sớm thế hệ mới KJ-3000. Loại máy bay được trang bị hệ thống radar mạng pha chủ động hiện đại hơn rất nhiều so với hệ thống radar trên máy bay E-8 của Mỹ.