Nhưng sau đó doanh nghiệp này "chào thua" vì không có căn cứ để thẩm định giá chiếc máy bay này.
Nguồn tin của Báo ngày 12-12 cho biết Cục Hàng không Việt Nam đang tính đến khả năng đưa chiếc máy bay Boeing 727 bỏ rơi ở sân bay Nội Bài vào mục đích sử dụng khác thay vì phương án bán đấu giá thanh lý tài sản như đã đề xuất trước đây.
Nội thất bên trong khoang máy bay bay Boeing 727. |
Lý do vì kế hoạch thanh lý tài sản bị tắc ngay từ khâu thẩm định giá. Cụ thể, đầu năm 2017, Chính phủ đã đồng ý giao cho Cục Hàng không Việt Nam thực hiện xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với máy bay Boeing 727-200 và thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp về việc thẩm định giá tài sản là máy bay Boeing 727. Để triển khai, Cục Hàng không Việt Nam đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thẩm định giá tiến hành khảo sát cả bên ngoài và bên trong máy bay Boeing 727. Theo đó, đã thành lập Đoàn công tác thực hiện mở cửa máy bay Boeing 727 gồm các chuyên viên thẩm định giá của doanh nghiệp và các chuyên gia, thợ kỹ thuật có kinh nghiệm về máy bay Boeing. Nhưng sau khi khảo sát, công ty thẩm định giá "chịu thua" vì không có đủ hồ sơ, tài liệu để định giá chiếc Boeing 727. Phương án thuê doanh nghiệp định giá nước ngoài đã không được tính đến vì chi phí thuê có thể đắt hơn giá trị thu được từ đấu giá tài sản. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam không có cơ sở đưa ra giá khởi điểm để thực hiện đấu giá tài sản.
Trong khi đó, Học viện Hàng không Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản xin chiếc máy bay Boeing 727 vô chủ về làm giáo cụ phục vụ cho việc đào tạo cho các học viên chuyên ngành hàng không như tiếp viên, an ninh hàng không… Gần đây, cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng có văn bản đề nghị xin chiếc Boeing 727 để phục vụ công tác diễn tập cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, dụng cụ huấn luyện…
Buồng lái máy bay Boeing 727 vẫn còn tài liệu bay của tổ lái. |
Một chuyên gia trong ngành hàng không phân tích trong 2 phương án chuyển mục đích sử dụng đối với chiếc Boeing 727 như trên, phương án để lại cho Cảng hàng không Nội Bài sẽ hiệu quả hơn. Vì đây là đơn vị đang trực tiếp quản lý chiếc máy bay này, và quan trọng là giảm thiểu chi phí vận chuyển. Chỉ cần kéo máy bay ra vị trí phù hợp, đổ sàn bê tông làm sân đỗ máy bay. Hiện ở sân bay quốc tế Nội Bài có nhiều trung tâm đào tạo chuyên ngành hàng không, chiếc Boeing 727 có thể được sử dụng làm giáo cụ cho ít nhất 10 chuyên ngành như xe thang, tra nạp nhiên liệu, xe kéo đẩy băng tải, cấp điện, cấp khí cho máy bay…Còn trong trường hợp chuyển cho Học viện Hàng không có trụ sở ở TP HCM và Cam Ranh (Khánh Hoà), đơn vị này sẽ phải thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án tháo rời để chuyển máy bay về các cơ sở. Tổng chi phí cho công tác này theo tính toán có thể lên đến khoảng 3 tỉ đồng.
Chiếc Boeing 727 bị bỏ rơi ở Nội Bài từ năm 2007, sau nhiều lần được di chuyển hiện đang đỗ ở vị trí khẩn nguy. |
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó chủ tịch Thường trực Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho biết trong trường hợp tài sản không thể định giá phục vụ công tác thanh lý thì chuyển mục đích sử dụng và bàn giao cho cơ quan khác là hoàn toàn đúng pháp luật. "Việc thanh lý máy bay ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên gặp nhiều khó khăn. Định giá máy bay không dễ như định giá ô tô vì ô tô không có hồ sơ nhưng có năm sản xuất, có đời xe và có thể sử dụng phương pháp so sánh với xe mới cùng loại và trừ lùi theo giá trị khấu hao"- ông Nguyễn Tiến Thoả nói.
Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA - Campuchia) đã bỏ chiếc Boeing 727-200 ở sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5-2007, sau một chuyến bay thường lệ đến Hà Nội và bị trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng.
Sau khi Cục Hàng không Việt Nam làm các thủ tục thông báo tìm chủ sở hữu của chiếc Boeing 727 nhưng không có người nhận nên trở thành tài sản của nhà nước. Từ thời điểm RKA thanh toán chi phí khai thác, bãi đỗ lần cuối, đến cuối năm 2014 (thời điểm xác nhận Boeing 727-200 là máy bay vô chủ), chi phí bãi đỗ của chiếc máy bay này đã lên đến hơn 605.800 USD, tương đương gần 13 tỉ đồng.