Chuyên gia Mark D.Martin thuộc Văn phòng tư vấn Martin trụ sở ở Mỹ chia sẻ một số ý kiến của mình về sự kiện máy bay Airbus A320-200 mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không Air Asia mất tích. Ông Martin nói rằng, nếu một báy bay thương mại di chuyển qua một đám mây tích mưa (với đám mây dày đặc kết hợp giông bão), một số vấn đề sẽ phát sinh. Các đám mây dạng này có những dòng chuyển động khí lưu hướng từ dưới lên trên và ngược lại. Những dòng khí này rất có thể khiến máy bay gặp nguy hiểm.
Ảnh minh họa. |
Hãng hàng không Air Asia đã xác nhận rằng, phi công phụ trách chuyến bay QZ8501 mất tích đó vào sáng 28/12 đã xin đổi hướng bay chệch đi so với lộ trình ban đầu với lý do thời tiết xấu. Máy bay Air Asia mất tích lúc đó đang bay ở độ cao 32.000 feet (9.753 mét). Phi công đã xin bay ở độ cao 38.000 feet (11.582 mét) để tránh các đám mây.
Nếu máy bay đó bay vào một cơn giông ở độ cao 31.000 feet (9.448 mét) – 38.000 feet (11.582 mét), hiện tượng đóng băng trong đám mây hoàn toàn có thể khiến các thao tác của phi công gặp trở ngại, từ đó máy bay đã gặp nạn.
“Theo tiêu chuẩn thực hành trong an toàn hàng không, các phi công sẽ bay vòng qua các đám mây kiểu vậy, thay vì bay phía trên chúng”, ông Martin nói.
Vị chuyên gia này nói thêm rằng, với 115 hành khách trên khoang, dường như chiếc Airbus này đã “khá nặng”. Cộng vào đó, nguyên liệu trong thùng chứa dường như “chưa bị đốt cháy hoàn toàn”. Hai yêu tố trên sẽ không cho phép máy bay đó bay phía trên các đám mây vũ tích.
Ở một diễn biến khác, đại diện Bộ Giao thông vận tải Indonesia thông báo, đội tìm kiếm máy bay mất tích trên đã tạm dừng việc của họ vào hồi 17h30 (theo giờ địa phương) do trời tối và thời tiết xấu. Sáng mai (29/12), họ sẽ tiếp tục công việc.