Khi đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM, trên tay chàng trai (ngụ tỉnh Tây Ninh) đầy những nốt, cục màu đỏ tím, không đau. Những nốt này có dấu hiệu xuất hiện dày thêm.
Bệnh nhân cho biết, khoảng 6 tháng trước, anh bị gai tôm đâm vào ngón cái bàn tay trái. Vết thương nhỏ lớn dần, loét, chảy mủ, đau ít và rất lâu lành.
Từ một vết gai đâm, vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể. |
Kể từ đó, tay trái của anh tiếp tục xuất hiện thêm những nốt, cục đỏ. Các vết này nổi theo đường, lan dần từ bàn tay lên trên cẳng tay. Ngoài ra, không có thêm bất kì triệu chứng nào khác.
Dù đã khám và điều trị nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm mà còn nổi thêm các vết mới.
Thạc sĩ Bác sĩ Châu Ngọc Tố Trinh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM nhận định, bệnh nhân bị viêm mạch bạch huyết dạng nốt. Nguyên nhân có thể là do nấm, vi khuẩn lao, virus…
Chúng thường xâm nhập vào da qua một vết trầy xước, gai đâm ở bàn tay hoặc bàn chân. Các tổn thương sẽ lan theo đường đi của mạch bạch huyết
Chàng trai được chỉ định thực hiện PCR lao và nuôi cấy nấm. Kết quả dương tính với vi khuẩn lao M. gordonae, một chủng vi khuẩn lao không điển hình.
Các vết tổn thương lan theo đường mạch bạch huyết. |
Theo bác sĩ Tố Trinh, vi khuẩn này có mặt ở mọi nơi, gây nhiễm trùng cơ hội. Chúng có thể có trong đất, nước và được xem là vi sinh vật hoại sinh không gây bệnh, do đó không được quan tâm trong y khoa.
Năm 1984, vi khuẩn lao này lần đầu tiên được báo cáo gây nhiễm trùng da mu bàn tay trái ở một phụ nữ 70 tuổi có tiền sử làm vườn (bụi hoa hồng).
Đến năm 2009, một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 86 tuổi được phát hiện lần đầu tiên tại Ý. Tuy hiếm gặp nhưng y văn cũng đã ghi nhận vi khuẩn này có gây bệnh cho người.
Các bác sĩ khuyến cáo, một vết thương dù nhỏ và đơn giản cũng có khả năng gây nhiễm trùng lan rộng. Bệnh nhân cần đến thăm khám sớm tại các bệnh viện chuyên khoa da để xử trí đúng hướng và kịp thời.
Nếu để càng lâu, tổn thương có thể xâm lấn mô,, gây sẹo xơ. Nếu xâm lấn vào xương khớp có thể gây lao xương khớp. Nếu loét ngoài da có thể gây bội nhiễm.