Người thường khó phân biệt
Chia sẻ với Tiền Phong, một linh mục, thuộc Giáo phận Hà Nội cho biết, thời gian gần đây lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng thường xuyên cập nhật hình ảnh thiện nguyện của các tu sĩ, tổ chức tôn giáo rồi lập hình ảnh giả mạo để bán hàng kém chất lượng, giả kêu gọi từ thiện, lừa đảo…
Thường các đối tượng lập facebook, kết bạn với nhiều linh mục, tu sĩ, những chức sắc, tổ chức tôn giáo, thường xuyên tương tác nhằm tạo uy tín giả mạo để lừa đảo tài sản của nhà hảo tâm. Vị linh mục cảnh báo, nhà hảo tâm nên tìm hiểu, xác minh kỹ thông tin, đặc biệt là cảnh giác, thận trọng với những tài khoản cá nhân trước khi chuyển hàng, tiền từ thiện.
Liên quan đến việc này, đầu tháng 10/2021, Công an Thừa Thiên-Huế, bắt Lê Thanh Phụng (18 tuổi, ở Quảng Trị) làm rõ hành vi “Sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Đối tượng Lê Thanh Phụng. |
Trước đó, tháng 3/2021, bà Đ.T.T.H (TP Huế) trình báo công an bị mất số tiền 537 triệu đồng. Bà H, là người thường đứng ra nhận tiền quyên góp từ thiện giúp các hoàn cảnh khó khăn. Ngày 8/3, bà H, nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0397.1577.xxx thông báo WESTERN UNION TK VCB: 0161371170xxx + 23.000.000 với nội dung tiền ủng hộ. Sau đó, chủ thuê bao nói trên đã gọi điện và hối thúc bà bấm vào đường link mà họ gửi để nhận tiền thành công. Tin tưởng, bà H, làm theo hướng dẫn, và bị mất toàn bộ tiền trong tài khoản.
Cơ quan công an xác định, với thủ đoạn tương tự, Phụng đã chiếm đoạt được gần 8 tỷ đồng, rồi chuyển vào các tài khoản game nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Ngoài ra, ngày 7/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Cao Thị Hoài (23 tuổi, trú huyện Giao Thủy) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.Theo điều tra, Hoài lập facebook ảo để kêu gọi từ thiện từ các nhà hảo tâm với nội dung để “mua vật tư” phục vụ việc mai táng cho trẻ sơ sinh xấu số, nhưng thực chất là để chiếm đoạt tiền ủng hộ.
Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định, Hoài, đã lập gia đình và có 3 con nhỏ. Từng làm công nhân may nhưng sau đó nghỉ việc, ở nhà chăm con. Cả gia đình Hoài sinh sống nhờ vào tay nghề thợ mộc của chồng.
Đối tượng Cao Thị Hoài. |
Khi “lang thang” trên mạng xã hội, Hoài biết đến facebook của một cá nhân ở tỉnh Bình Thuận đang làm công việc thiện nguyện cho những trẻ sơ sinh xấu số. Trang facebook này thường chia sẻ bài viết, hình ảnh về hoạt động thiện nguyện thu gom, mai táng cho những hài nhi xấu số bị bỏ rơi, có nhiều người tương tác, nhiều nhà hảo tâm để lại bình luận sẵn sàng hỗ trợ kinh phí.
Nhận thấy “cơ hội” kiếm tiền an nhàn, Hoài sao chép hình ảnh và nội dung về trang facebook “Mai Mai” cá nhân của mình.
Hoài tạo niềm tin bằng cách đưa những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé để mọi người lầm tưởng đó là sự thật, đánh lừa được lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 - 5/2021, facebook “Mai Mai” đã có hàng ngàn lượt xem, like và bình luận. Trong thời gian ngắn, tài khoản ngân hàng của Cao Thị Hoài có tổng cộng 688 người từ nhiều tỉnh/thành trên cả nước gửi tiền ủng hộ từ thiện. Cảnh sát làm rõ, sau khi nhận được tiền của các nhà hảo tâm, Hoài không chuyển cho bất cứ ai cần giúp đỡ mà chiếm đoạt gần 270 triệu đồng chi tiêu.
Cảnh giác với thủ đoạn giả từ thiện
Ngày 11/10, trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tá Mai Văn Phú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định nói: Chuyện thiếu minh bạch trong thu - chi tiền từ thiện của người kêu gọi quyên góp đang làm “dậy sóng” dư luận. Phòng Cảnh sát hình sự đặc biệt lưu ý đến vấn đề này và đã chỉ đạo trinh sát công nghệ cao nắm chắc tình hình trên mạng Internet và các phương tiện truyền thông về những thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
“Nhà hảo tâm nên xác minh thông tin thông qua chính quyền địa phương, ở đó có dự án, có hoàn cảnh khó khăn, có người nào đứng ra làm thiện nguyện hay không. Nhà hảo tâm nên chuyển khoản vào tổ chức uy tín và cẩn trọng với tài khoản cá nhân”, Thiếu tá Phú nói.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an đánh giá, đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án và người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.
Nhiều thủ đoạn tinh vi như, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên fanpage facebook, rồi cài xen số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.