Ngày 25/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về “sự gia tăng đáng kể việc sử dụng mạng xã hội có vấn đề” ở thanh thiếu niên tại các nước châu Âu, gây tác hại cho sức khỏe tâm thần của họ.
Theo WHO, cụm từ “có vấn đề” được sử dụng khi những người trẻ tuổi có “các triệu chứng giống như nghiện”. WHO cảnh báo hơn 10% số thanh thiếu niên có “nguy cơ chơi trò chơi điện tử có vấn đề”.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, khuyến nghị, cần hành động ngay lập tức để giúp thanh thiếu niên thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội - vốn đã được chứng minh có thể dẫn đến trầm cảm, bắt nạt, lo lắng và kết quả học tập kém.
Khảo sát mới đây của WTO tại 44 quốc gia ở châu Âu, Trung Á và Canada cho thấy hơn 30% thanh thiếu niên chơi trò chơi trực tuyến hằng ngày và 22% trong số đó chơi ít nhất 4 giờ. 12% số thanh thiếu niên có nguy cơ "nghiện" cờ bạc.
WHO khu vực châu Âu kêu gọi các nước thúc đẩy đưa kiến thức số vào trường học, tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần cũng như đào tạo giáo viên và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời thực thi trách nhiệm giải trình đối với các nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội.
Ảnh minh hoạ. Internet |
Theo PGS.TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cái mà chúng ta gọi là nghiện internet chính là đời sống ảo, nó giúp nhiều người thăng hoa trong thế giới ảo, nhưng lại hủy hoại về thể chất, tinh thần của họ trong đời sống thực. Điều này vô cùng nguy hiểm.
Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe và rối loạn tâm lý. Cảm giác căng thẳng và lo lắng thường xuất hiện do áp lực so sánh bản thân với người khác trên mạng xã hội. Ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại hoặc máy tính có thể gây đau cơ và các vấn đề về thị lực, giấc ngủ. Việc thiếu vận động này có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề liên quan đến cơ bắp, xương khớp, như hội chứng ống cổ tay. Nghiện mạng xã hội cũng có thể gây ra rối loạn sinh hoạt và dinh dưỡng do thay đổi thói quen ăn uống, dẫn đến suy nhược cơ thể.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, nghiện mạng xã hội còn có thể gây ra những vấn đề trong quan hệ xã hội.
Là đối tượng nhạy cảm vì chưa biết kiểm soát cảm xúc và hình ảnh của mình trên mạng xã hội, lứa tuổi học sinh thường phải đối diện với những hậu quả nghiêm trọng hơn về thể chất cũng như tinh thần. Ngoài việc nghiện game, nghiện mạng xã hội đến quên ăn, quên ngủ, sao nhãng học hành, ảnh hưởng sức khoẻ thể chất, việc bị bắt nạt trên mạng cũng gây tổn thương tâm lý nặng nề. Với mối quan hệ xã hội, các em sẽ sợ hãi, ngại gặp các bạn, thầy cô. Có trường hợp bị ghép ảnh nhạy cảm sẽ không dám gặp ai, học tập bị ảnh hưởng, luôn lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng đến cuộc sống thật. Thậm chí, có những trường hợp không chịu được áp lực đã tìm đến những giải pháp tiêu cực như rạch tay, tự tử…
Nhiều người có thói quen lướt mạng xã hội bất cứ khi nào rảnh rỗi. Điều này khiến bạn mất đi khoảng thời gian để não được thư giãn và nghỉ ngơi thực sự. Ánh sáng phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử có thể gây rối loạn chu kỳ sinh học và dẫn đến tình trạng mất ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe và tinh thần...
Mặc dù mạng xã hội là công cụ chính để mọi người vui chơi, làm việc và duy trì các mối quan hệ, nhưng chứng nghiện mạng xã hội là một vấn đề nghiêm trọng cần được can thiệp và giải quyết kịp thời. Chúng ta cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh để hạn chế các tác hại của nó gây ra.