Vụ rơi chuyến bay MH17 ở miền đông Ukraine ngày 17/7 xảy ra giữa lúc Malaysia Airlines còn đang chật vật phục hồi sau vụ mất tích của chuyến bay MH370 hồi tháng 3.
Nhận định với CNN, chuyên gia xử lý khủng hoảng Ted Gavin của công ty Gavin/Solmonese, nói rằng, mối đe dọa hiện nay đối với Malaysia Airlines với tư cách một công ty có thể lớn hơn bất kỳ một thảm họa hàng không nào từng xảy ra.
“Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Malaysia Airlines khôi phục hình ảnh nếu họ biết cách xử lý thông tin và quan hệ với công chúng”, ông Gavin nói.
Môi trường kinh doanh khó khăn đã buộc Malaysia Airlines thua lỗ trong suốt 3 năm qua, với tổng mức lỗ khoảng 1,3 tỷ USD. |
Trong những tuần sau vụ biến mất của chuyến bay MH370 với 239 người, một số gia đình thân nhân hành khách đã chỉ trích mạnh mẽ cách làm việc và lối điều tra của Malaysia Airlines cũng như Chính phủ Malaysia. Thân nhân hành khách cáo buộc hãng bay không cung cấp đầy đủ thông tin về cách thức phản ứng ngay sau khi máy bay biến mất. Cho đến gần đây, thân nhân hành khách vẫn bày tỏ sự mất niềm tin vào Malaysia Airlines và chính phủ nước này.
“Cách xử lý của Malaysia Airlines đối với vụ mất tích chuyến bay MH370 đã gây ra tổn hại lớn về niềm tin”, ông Gavin phát biểu.
Theo ông Gavin, trong những giờ ngay sau vụ rơi máy bay MH17 ngày 17/7, Malaysia Airlines cần chia sẻ bất kỳ thông tin nào, bất kỳ dữ liệu nào mà họ có, bao gồm cả quy trình ra quyết định dẫn tới việc chiếc máy bay bay trên vùng trời mà bên dưới đang có chiến sự.
Bên cạnh đó, ông Gavin cũng nói, Malaysia Airlines cần gạt bỏ “sỹ diện” để nói về những sai lầm mà hãng có thể đã mắc phải. “Họ không thể để gia đình các nạn nhân không được nghe thông tin từ họ suốt hàng tuần. Thực lòng mà nói, đây là cơ hội để Malaysia Airlines nói và làm tốt hơn những gì họ đã thể hiện trong vụ MH370”, ông Gavin phát biểu.
Mới đầu tháng 7, cổ đông chính của Malaysia Airlines đã cân nhắc tái cơ cấu hoạt động của hãng bay và đưa hãng này thành một công ty tư nhân thay vì là doanh nghiệp đại chúng như hiện nay. Tờ Wall Street Journal đã dùng từ “phục hồi” và “vực dậy” để mô tả về chiến lược này.
Hồi tháng 4, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu các hãng bay Mỹ tránh không phận Crimea, Biển Đen, và Biển Azov. Theo FAA, những khu vực này có “khả năng xảy ra các hướng dẫn kiểm soát không lưu xung đột từ nhà chức trách Ukraine và Nga” và “nhận diện sai máy bay dân sự”. Không rõ liệu giới chức hàng không Malaysia có đưa ra cảnh báo tương tự đối với các hãng bay của nước này.
Malaysia vẫn đang có nguy cơ phải đối mặt với các vụ kiện của các gia đình hành khách, với số tiền bồi thường có thể lên tới nhiều triệu USD.
Theo CNN, động cơ kép của Boeing 777 có lịch sử an toàn rất cao và đây là một trong những loại máy bay hiện đại nhất hiện nay. Máy bay này có sức chứa 300-450 hành khách và có tầm bay xa khoảng 5.700 dặm.
“Năm nay thực sự là một năm tồi tệ cho ngành hàng không thương mại. Nhưng còn đối với một hãng bay bị mất hai chiếc máy bay cùng loại chỉ trong một thời gian ngắn thì sao? Có lẽ đây là chuyện chưa từng có tiền lệ đối với một hãng bay trong thời kỳ hàng không hiện đại”, ông Gavin nhận xét.
Theo các nhà phân tích, Chính phủ Malaysia có thể sẽ phải giải cứu Malaysia Airlines để đưa hãng này thoát khỏi thảm họa tài chính.
Trong mấy năm gần đây, Malaysia Airlines đối mặt với cạnh tranh ngày càng mạnh từ các hãng hàng không khu vực. Hãng đã tìm cách tăng doanh thu bằng cách bán nhiều vé, thay vì tăng giá, trong khi duy trì chi phí hoạt động trong tầm kiểm soát. Hãng cũng đã hủy một số tuyến bay đường dài.
Tuy nhiên, chiến lược này chưa đem lại thành công, và môi trường kinh doanh khó khăn đã buộc Malaysia Airlines thua lỗ trong suốt 3 năm qua, với tổng mức lỗ khoảng 1,3 tỷ USD. Trước đây, Chính phủ Malaysia đã nhiều lần giúp đỡ hãng, nhưng sự hỗ trợ chỉ có tác dụng tạm thời.