Các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A. |
Việt Nam vẫn là “ngôi sao” khu vực Đông Nam Á
Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022) do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của GlobalData, thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1,05 nghìn tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.
Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Trong năm 2021, các quỹ này đã đầu tư hơn 2.000 tỷ USD và còn dự trữ hàng ngàn tỷ USD để sẵn sàng chốt các thương vụ đầu tư mới.
Riêng tại thị trường Việt Nam, theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).
Tuy nhiên, tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đáng chú ý, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Tại Việt Nam, PE Fund và Venture Capital vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và nợ xấu. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động. |
Kích hoạt những cơ hội mới
Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam, những dấu hiệu trên cho thấy, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Mặc dù thị trường M&A bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân: Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn quá trình gặp gỡ thương thảo hay năng lực tài chính cả bên mua và bên bán thay đổi ngoài dự đoán; Những biến động mạnh của nền kinh tế toàn cầu mà tương lai chưa thể đoán định; Cạnh tranh căng thẳng giữa các quốc gia lớn… Những yếu tố này không thể không ảnh hưởng đến toan tính của các bên tham gia thương vụ… Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và thể hiện sức chống chịu khá vững vàng trước các tác động bên ngoài.
Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới. Sự bùng nổ của những hoạt động kinh tế mới, nhất là những lĩnh vực công nghệ đầy sáng tạo khiến những phương thức hợp tác truyền thống trở nên dường như kém hiệu quả hơn…
Các chuyên gia M&A dự báo, rất có thể một môi trường đầy biến động như hiện nay sẽ mang đến những điều kiện tốt để kích hoạt những cơ hội M&A mới? Sự sút giảm về tổng giá trị các thương vụ M&A mà chúng ta đang thấy chỉ mang tính nhất thời. Đây chính là lúc để hoạt động M&A thể hiện tính ưu thế trong việc giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển của mình. Vì vậy có thể coi thị trường M&A tại Việt Nam hiện chỉ đang như một chiếc lò xo bị nén chặt, chờ cơ hội bật lên mạnh mẽ (?).