Tạp chí Jane’s cho biết, dựa trên một đoạn video được đăng tải trên mạng internet vào vào hôm 29/1 cho thấy lực lượng ly khai miền Đông Ukraine đang âm thầm xây dựng lực lượng không quân bằng những máy bay chiến đấu lấy từ bảo tàng ở vùng Lugansk.
Đoạn video này được lực lượng dân quân miền Đông Ukraine đăng tải vào cuối tháng trước, với sự xuất hiện của một chiếc cường kích Su-25 và một máy huấn luyện kiêm tấn công hạng nhẹ Aero L-29. Trong đó chiếc L-29 đã sẵn sàng được đưa vào sử dụng.
Chiếc cường kích Su-25 được sơn lại theo màu cờ hiệu của Nhà nước Liên bang tự xưng Novorossiya (liên minh Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Donetsk tự xưng), tuy nhiên trong đoạn video này lại không thấy nó hoạt động, còn chiếc L-29 đã có thể di chuyển với tốc độ thấp xung quanh khu vực đường băng. Về vũ khí trang bị, Su-25 mang theo các ống phóng rocket, trong khi đó L-29 được trang bị hai quả bom cỡ nhỏ nhiều khả năng là mô hình các loại bom được trưng bày trong bảo tàng không quân Lugansk.
Trước đó vào hôm 27/1, Bộ quốc phòng Ukraine thông báo rằng đã bắn hạ một số máy bay của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine gồm một máy bay huấn luyện kiêm tấn công hạng nhẹ Aero L-39, một máy bay huấn luyện cơ bản Yak-52, một máy bay vận tải Antonov An-2 và 4 trực thăng tấn công Mi-24 dựa theo thông tin mà phía Ukraine công bố. Còn hai chiếc Su-25 và L-29 ở Lugansk lại không thấy xuất hiện trong danh sách này.
Bảo tàng không quân Lugansk là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều loại máy bay từng phục vụ trong lực lượng Không quân Liên Xô và Ukraine sau này như máy bay cường kích Su-24, tiêm kích Su-27 và thậm chí cả máy bay ném bom chiến lược Tu-95. Tuy nhiên tình trạng của số máy bay này lại không mấy rõ ràng và khó có thể đưa chúng quay trở lại hoạt động.
Chiếc Su-25 được sơn lại cờ hiệu của Novorossiya. |
Ly khai nỗ lực tăng sức mạnh trên không
Quân ly khai miền Đông Ukraine tuy giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường nhưng thứ họ luôn thiếu là khả năng hỗ trợ trên không, vốn là điểm yếu được Quân đội chính phủ Ukraine tận dụng triệt để từ đầu cuộc chiến cho tới này. Mặt khác lợi thế trên không của Quân đội chính phủ Ukraine cũng chỉ được duy trì một cách cầm chừng khi chỉ được trang bị một lực lượng không quân nghèo nàn và chịu nhiều tổn thất.
Do đó việc nắm trong tay bất cứ loại máy bay có khả năng chiến đấu nào cũng sẽ tạo lợi thế cho lực lượng ly khai Ukraine, và số máy bay này có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau.
Điều này cho thấy lực lượng dân quân miền Đông Ukraine đang đi theo con đường mà các lực lượng vũ trang đòi ly khai khác trên thế giới từng làm là sử dụng không quân để cân bằng sức mạnh với quân đội chính phủ vốn được trang bị tốt hơn.
Một chiếc máy bay huấn luyện L-39 của Quân đội chính phủ Syria tại căn cứ không quân Al-Jarrah, sau khi rơi vào tay IS. |
Trong cuộc Nội chiến ở Afghanistan những năm 1990, lực lượng phiến quân Taliban đã sử dụng những chiếc máy bay chiến đấu như MiG-21 'Fishbed', Sukhoi Su-22 'Fitter', và thậm chí cả máy bay L-39 với các phi công từng phục vụ trong quân đội chính phủ thân Liên Xô. Và trong những năm 2000, lực lượng ly khai những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) cũng sử dụng một máy bay cánh quạt hạng nhẹ Zlin Z 143 để ném bom vào các mục tiêu quan trọng của chính phủ và quân đội Sri Lanka
Gần đây nhất là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cố gắng kiểm soát các căn cứ không quân của Quân đội chính phủ Syria, nhắm đánh chiếm các máy bay chiến đấu đóng tại các căn cứ này. Tuy nhiên, kế hoạch này của IS không mấy thành công khi đa số máy bay hay các phương tiện hổ trợ đều bị phá hủy trước khi lọt vào tay IS.