Trong thành ngữ Việt Nam, câu “vắt mũi đút miệng” dùng để nói về cảnh nghèo khó, làm không đủ ăn, đến nỗi phải vắt lấy nước mũi của mình cho vào miệng ăn mà nuôi thân. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì đây là hành động có vẻ mất vệ sinh, nhưng kỳ thực chuyện có phải như vậy không?...
Ăn nước mũi sống qua ngày?
Theo tác phẩm “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ”, phần thứ nhất – “Thành ngữ so sánh” của cố GS.TS ngôn ngữ học Hoàng Văn Hành thì câu “vắt” tức là làm cho một vật nào đó kiệt đi, cạn nước, hết nước đi. Còn mũi, miệng là hai bộ phận của cơ thể, trong đó, miệng nghĩa là bộ phận tiếp nhận thức ăn nuôi sống con người, biểu trưng cho sự tiếp nhận, hưởng thụ và việc ăn ở, sinh sống nói chung.
Câu “vắt mũi đút miệng” còn có một số biến thể khác là “vặt mũi đút miệng”. Chữ “vắt” trong câu thứ nhất tức là lấy nước mũi mà cho vào miệng, gợi lên sự dứt khoát, triệt để, vắt sạch sành sanh không còn một giọt nước mũi nào. Cách nói này tuy mất vệ sinh song đỡ tục hơn cách nói khác là “bán trôn nuôi miệng”. Còn chữ “vặt” ở câu thứ 2 tức là lấy cái mũi mà cho vào miệng, hàm ý lấy một bộ phận của cơ thể mà nuôi cơ thể chứ không làm ra được, giống như kiểu “gấu liếm mỡ bàn chân vậy”. Trong dân gian, câu nào càng gây ám ảnh mạnh, càng miêu tả một cách triệt để, chi tiết hành động thì được đa số người dùng. Bởi chỉ những từ như vậy mới đủ sức mạnh để miêu tả một sự việc nào đó khiến cho người khác nhớ tới.
>> Mời quý độc giả xem video: Ký ức về Tết quê xưa ở Miền Nam (Nguồn video: Đài phát thanh và truyền hình Kiên Giang)
Tuy có hai cách hiểu và cơ sở hình thành ý nghĩa thành ngữ như trên, song ý nghĩa chung của thành ngữ đều được nhận diện, đó là hoàn cảnh nghèo túng, đói ăn, làm đến đâu ăn hết đến đó, nuôi thân không nổi. Với ý nghĩa này, thành ngữ trên gần nghĩa với câu khác là “được đồng nào xào đồng ấy”.
Theo GS.TS Hoàng Văn Hành thì ngoài việc nói về cảnh đói nghèo, câu thành ngữ trên còn nhấn mạnh đến khả năng tồn tại với cảnh sống thoi thóp, ngắc ngoải, cạn kiệt đến không còn khả năng tái sản xuất nữa. Nghèo đến thế là cùng.
Nhiều khi, trong các trường hợp muốn nhấn mạnh sự nghèo túng, người ta chen vào giữa hai vế thành ngữ trên từ hạn định “chỉ” hoặc một từ phủ định nào đó. Đó là các trường hợp biến thể như “vắt mũi chỉ đủ đút miệng”, “vắt mũi không đủ đút miệng” và một số biến thể khác như như “vắt mũi nuôi miệng”...
Ảnh minh họa. |
Cần nghiên cứu thêm
Ở một góc nhìn rộng hơn, Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Vắt mũi đút miệng là thành ngữ được xây dựng từ cách nói dùng hình ảnh trực quan, đời thường để tạo ra sự sinh động cho phát ngôn. Mũi và miệng gần nhau, hành động vắt mũi diễn ra nhanh. Người nghèo khổ thường không có được kế hoạch lâu dài, to lớn vì cái khó nó bó cái khôn nên tiện đâu làm đấy cho qua bữa. Gần đồng nghĩa với thành ngữ này ta có các thành ngữ khác như “giật gấu vá vai”, “bốc mũi bỏ lái”... Nó chỉ tình trạng nghèo khó, loay hoay giật chỗ này ít ỏi của mình lại bù cho chỗ khác cũng ít ỏi của mình.
Theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thì cần phải nghiên cứu kỹ hơn về thành ngữ “vắt mũi bỏ miệng”. Câu này hơi “lạ” bởi nếu hiểu theo nghĩa đen là dùng một bộ phận của cơ thể, phần dơ bẩn, chất thải của cơ thể để bỏ vào miệng ăn, mới nghĩ đến thôi đã rùng mình rồi. Nhưng tại sao dân gian lại lấy hình ảnh ghê rợn này để đúc kết thành câu thành ngữ? Có tích nào đóng vai trò cơ sở sản sinh ra câu này hay không? Và thành ngữ này xuất hiện từ khi nào?...
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Văn Hảo cho rằng: “Nói thế nào đi nữa thì câu thành ngữ này vẫn đang tồn tại. Phải thừa nhận sự tồn tại đó trước đã, còn việc khẳng định hành động mất vệ sinh là vắt mũi cho vào miệng ăn cần nghiên cứu cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, văn hóa... cần có những công trình nghiên cứu sâu hơn về những câu thành ngữ kiểu như vậy, chứ không nên kết luận khi chưa có cơ sở”.
Hiện thành ngữ “vắt mũi đút miệng” chỉ còn tồn tại trong các tác phẩm văn chương cũ, hoặc những người lớn tuổi chứ lớp thanh niên trẻ ít khi dùng đến. Việc sử dụng không thường xuyên từ này đẫn đến tính phổ biến bị hạn chế. Giới trẻ ít dùng thành ngữ kiểu như thế này vì nhiều yếu tố. Một là do đây là thời đại của thông tin đại chúng, sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa truyền thống và hiện đại diễn ra rất mạnh mẽ, giới trẻ nghĩ ra nhiều câu, nhiều trò hơn như “ác ôn vùng nông thôn”, “chán như con gián”... Mặc dù những câu kiểu như vậy không được thừa nhận chính thức trong các văn bản thành văn, nhưng bản thân nó đã có một sức sống khác trong giới trẻ rồi. Thứ hai, xét về tính kế thừa và phát triển thì sự phát sinh ra nhiều câu mới phù hợp với hoàn cảnh sống là điều đương nhiên, và những câu nào đã cũ, quá xa với thực tại đời sống thì nó dần phai nhạt và mất dần sức sống trong cộng đồng, còn câu nào mang tính triết lý, phổ quát nhưng hợp với đời sống giới trẻ thì nó vẫn tồn tại.
“Qua khảo cứu các văn bản, tư liệu thì thấy, thành ngữ “vắt mũi đút miệng” không bắt nguồn từ một điển cố, điển tích nào cả mà dân gian sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động thường thấy khiến cho người ta dễ nhớ, dễ đi vào lòng người”.
Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)