Lý giải hiện tượng bướm bay kín đường ở Thanh Hoá

Lý giải hiện tượng bướm bay kín đường ở Thanh Hoá

- Tháng 4 - 5 là thời điểm côn trùng sinh sôi nảy nở. Điều này lý giải sự việc vừa qua ở một số địa phương như Thanh Hóa bướm bay kín đường và phấn của chúng có thể gây ra các dị ứng với cơ thể người.

Bay nhiều hơn đậu

Về sự việc vừa qua ở một số địa phương như Thanh Hóa bướm bay kín đường, TS Vũ Văn Liên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho hay, bướm thường sinh sản vào dịp tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt, sau các thời điểm như mưa xuống nắng lên sẽ nở rất nhiều, vì đây là điều kiện để trứng, kén phát triển nhanh. Sự đồng loạt nở này đôi khi khiến đàn bướm lên đến hàng trăm, nghìn con. Thậm chí, các thế hệ liên tiếp nhau khiến đàn bướm ngày càng đông.

Việc bướm bay nhiều này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 1 - 2 tuần bởi tuổi thọ của bướm thông thường chỉ kéo dài từ 1 - 4 tuần, có những loài sau khi nở giao phối xong vài ngày sau đã chết. Vòng đời từ trứng đến con bướm trưởng thành khoảng 5 - 6 tuần. Cũng vì vòng đời ngắn nên có những địa điểm, đàn bướm thường nhiều do đàn này chưa kịp chết đi thì đàn khác đã nở.

Nếu đàn không đông, bướm sẽ bay ít, đậu nhiều. Nhưng với đàn nhiều chúng sẽ bay nhiều hơn đậu. Bướm có tập tính bay theo đàn, ví dụ một trăm con bay thì hàng trăm con khác cũng bay theo. Bướm bay thời gian dài, có khi từ sáng đến chiều tối. Bướm bay theo dọc đường, dọc suối... Vì đây là nơi rộng rãi, có không gian nhằm mục đích "giãn dân", tìm phấn. "Nhiều nơi như đường vào rừng bướm bay ngập trời khiến người đi xe máy phải dừng lại hoặc đeo kính mới đi qua nổi", TS Vũ Văn Liên cho hay.

Do bướm nở đồng loạt khiến có đàn lên đến nghìn con.
Do bướm nở đồng loạt khiến có đàn lên đến nghìn con.

Cách trị di ứng do côn trùng

Theo TS Vũ Văn Liên, phấn những loài côn trùng như bướm, ngài đêm... có dạng hạt, rất nhỏ. Nhìn qua kính hiển vi, phấn phủ một lớp trên cánh, thân tạo thành lớp vảy, chồng lên nhau như mái ngói. Lớp bột này khi rơi dính vào da gây nên sự tiếp xúc tạo ngứa. Đây được xem là một cách tự vệ, chống lại kẻ thù... Để tránh tình trạng bị dị ứng phấn côn trùng, cần tránh gãi để hạn chế sự thâm nhập vào sâu. Cùng với đó là nên rửa nước. Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị ngứa do phấn côn trùng nên bôi vôi vào vết thương. Vôi có thể giúp trung hòa chất độc từ đó giảm sưng, ngứa.

Ngoài ra, phần lớn các loài sâu không đốt, nhưng nọc độc truyền qua các lông và gai trên cơ thể như loài sâu róm. Lông châm vào người gây nên phản ứng ngứa rát hoặc bỏng. Khi bị châm, người dân nên áp dụng các cách chữa như sau: Dùng băng dính để dính và lôi tất cả các lông sâu róm còn dính trên da trước khi rửa. Rửa sạch vùng da bị ảnh hưởng thật kỹ bằng xà phòng nước và nước thông thường, sẽ giúp loại bỏ bớt các lọc độc còn lại của sâu róm trên da. Chườm nước đá ở vùng da bị sâu róm đốt, sẽ hỗ trợ làm giảm đau và sưng tấy. Nếu sưng tấy kéo dài, cần liên lạc với bác sĩ vì có thể bị dị ứng nghiêm trọng xảy ra. Xem xét một số loại thuốc dị ứng có thể hỗ trợ điều trị các phản ứng dị ứng khi bị sâu róm đốt. Bất cứ loại thuốc gì điều trị ong đốt thường sử dụng tốt để điều trị sâu róm đốt.

Tránh gãi ở vùng da bị ngứa vì cách này sẽ tiếp tục kích thích phản ứng. Nếu bạn vẫn không hết ngứa, hãy hỏi bác sĩ về các giải pháp bằng các toa thuốc.

Hiền Dung

Đọc nhiều nhất

Tin mới