Chiều ngày 29/5, tại địa phận xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xảy ra sự việc một bé gái bị trói tay vào thùng xe tải đậu ngay bên lề đường trong trạng thái sợ sệt và xấu hổ. Bé gái sau đó bị một người phụ nữ dùng tay đánh vào mặt.
Qua xác minh, cháu bé bị cột chân, trói tay vào thùng xe tải là N.T.T. (12 tuổi), ở xã Lý Trạch. Người dùng dây thừng trói bé gái này là mẹ của cháu bé, tên Nguyễn Thị M. T.
Sự việc sau đó được một số người dân đi đường quay phim, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội khiến nhiều người rất bức xúc cho rằng cháu bị mẹ ruột bạo hành.
Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cháu bé bị trói hai tay quặp ra sau bằng dây màu trắng, buộc vào thùng của xe tải bằng dây thừng, hai chân cũng bị trói bằng dây vải màu hồng. Trên cửa thùng xe ngay vị trí cháu bé bị trói có ghi dòng chữ “phạt trộm tiền”, dưới đất chỗ cháu bé đứng cũng có tấm bìa ghi chữ “phạt trộm”.
Thấy bất bình, hàng xóm và người đi đường liền đến can ngăn, khuyên gia đình tháo dây trói nhưng bà Châu (bà ngoại của cháu bé) không đồng ý.
Nhiều người đã báo cáo vụ việc lên chính quyền xã. Nhận được tin báo, Công an xã Lý Trạch có mặt kịp thời yêu cầu gia đình cởi trói cho cháu T. đồng thời lập biên bản, triệu tập những người có liên quan để làm rõ.
Mẹ của cháu khai nhận do con gái hay trộm vặt trong gia đình nên chị đã cột chân, trói cháu bé vào đuôi xe tải của gia đình nhằm mục đích răn đe để không tái phạm.
Cháu bé bị gia đình trói vào thùng xe tải để dạy bảo do hay ăn trộm tiền |
Đọc thông tin liên quan đến vụ việc trên, nhiều phụ huynh đã tỏ ra bức xúc và cho rằng, không nên giáo dục trẻ em bằng những phương pháp phản giáo dục như vậy.
“Ở độ tuổi 12, nhất là các bé gái, các em có lòng tự trọng rất cao. Do vậy, nếu phát hiện con lấy trộm tiền phải tìm hiểu xem con lấy tiền vào mục đích gì? Dùng để học tập hay ăn chơi, mua sắm vật dụng cần thiết hay không cần thiết. Từ đó, người lớn có phương pháp để uốn nắn các em không tái diễn những hành vi sai trái như vậy.
Có nhiều phương pháp để giáo dục răn đe con cái như giảng giải cho con hiểu việc lấy tiền của người lớn khi chưa xin phép là hành vi sai trái, xấu xí không được tái diễn. Không nên sử dụng những phương pháp đe nẹt thái quá như trên sẽ dẫn đến trẻ tổn thương, khiến khoảng cách giữa người lớn và trẻ ngày càng xa dễ dẫn trẻ đến hành vi tiêu cực” – chị Đỗ Thu Huế một độc giả và cũng là một phụ huynh nêu ý kiến.
Không đồng ý với phương pháp giáo dục trên, độc giả Trần Mạnh Hà cho rằng, dạy trẻ vốn không phải việc dễ dàng nhưng người lớn sẽ sai lầm khi cho mình quyền dạy bảo một cách thái quá khi sử dụng bạo lực hay những phương pháp gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
“Dù biết rằng, khi phát hiện trẻ có hành vi sai trái, lại tái diễn nhiều lần, người lớn dễ bức xúc mà không kiềm chế được bản thân, sử dụng những biện pháp răn đe một cách thái quá. Nhưng những phương pháp giáo dục trên đã lạc hậu, nhất là ở thời điểm mạng xã hội phát triển, có thể làm tổn thương đến trẻ nhất là trẻ ở độ tuổi đã biết suy nghĩ, biết xấu hổ dễ dẫn trẻ đến hành vi tiêu cực như bỏ nhà đi, hoặc hành động mà người lớn không lường trước được” – anh Hà nêu ý kiến.
Nhiều độc giả khác cho rằng, việc phạt bằng cách bêu xấu con cái trước thiên hạ như vậy sẽ làm tổn thương tinh thần của đứa trẻ và đây là cách làm phản giáo dục, vi phạm pháp luật. Thay vì phạt một cách tàn nhẫn như vậy, người lớn nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến trẻ có hành vi sai trái để từ đó có cách uốn nắn, giáo dục bằng những phương án mềm, vừa hiệu quả lại không làm trẻ bị tổn thương.
>>> Xem thêm video: Xót xa bé trai 3 tuổi bị cha dượng bạo hành
Nguồn VTC Now