Lương y Nguyễn Hữu Gián sinh năm 1945, quê thôn Yên Vĩ, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Ông hiện là Chủ tịch Hội Đông y huyện Hoài Đức, Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y TP Hà Nội. Cả cuộc đời theo đuổi chữa bệnh cứu người, truyền dạy tri thức, ông Gián được các bệnh nhân, học trò tin tưởng, yêu quý.
Lương y Nguyễn Hữu Gián, người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân. Ảnh: Mai Loan. |
Nối nghiệp Đông y do “giời phú”
Để có dịp trò chuyện cùng thầy thuốc Nguyễn Hữu Gián, phóng viên phải chờ khá lâu, bởi bệnh nhân xếp hàng đợi ông bắt mạch quá đông.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, Lương y Nguyễn Hữu Gián cho biết, gia đình ông có truyền thống làm nghề y. Đến nay đã tới đời thứ 9 theo nghề chữa bệnh cứu người. Cả bên ngoại và nội nhà ông đều có người theo nghề và được đánh giá có chuyên môn cao về mạch.
Lương y Nguyễn Hữu Gián chia sẻ, ông đã bắt đầu học Y khi còn là học sinh cấp hai. Khi đó, cậu học sinh 15 tuổi thường hay gối đầu lên đùi của bố nghe ông ngoại giảng về chữa bệnh cứu người.
Đến giờ, ông vẫn nhớ câu “Phế bộ trầm vi sinh nữ tử, tâm cung hồng đại thị nam nhi” (tức là bộ phế trầm vi là dương mà giờ trầm vi thì đẻ con gái. Còn tâm cung mạch thuộc âm mà hồng đại thì đẻ con trai; hay quan niệm khi học Đông y phải biết được mạch thuộc nhóm âm hay dương và thuộc cơ chế nào…). Những bài học từ thời thơ ấu ấy đã nhen nhóm trong ông tình yêu với nghề Y một cách tự nhiên.
Lương y Nguyễn Hữu Gián bắt mạch cho bệnh nhân tại Ngày hội Đông y năm 2023. Ảnh: Mai Loan. |
Sau học Tây y trở về, Lương y Nguyễn Hữu Gián được bố căn dặn: “Con học được Tây y đã quý quá rồi, nhưng phải học cả Đông y không mất gốc”. Kể từ đó, ông học ngày học đêm về Đông y, lại được những tiền bối giỏi truyền cảm hứng, ông càng thêm say mê khám phá lĩnh vực này. “Có lẽ, sự ham thích với Đông y là do ‘giời phú’, Lương y Nguyễn Hữu Gián chia sẻ.
Kể về kỷ niệm lần đầu tiên thực hành bắt mạch, lương y Nguyễn Hữu Gián xúc động nhớ lại, đó là một bệnh nhân 30 tuổi vẫn còn độc thân. Bệnh nhân từng thăm khám 2 thầy lang nhưng đều không được chẩn đúng triệu chứng. Sau khi bệnh nhân được ông Gián bắt bệnh và gọi chuẩn 2 triệu chứng: buốt một bên đầu và tê chân, bệnh nhân mới quyết định xin đơn thuốc từ ông.
“Từ đó trở đi, sự tin tưởng của bệnh nhân là cơ hội để tôi được rèn luyện tay nghề, càng giúp tôi thêm kiên định với con đường đã chọn”, Lương y Nguyễn Hữu Gián chia sẻ.
Y đức gồm cả đạo đức và giỏi chuyên môn
Theo Lương y Nguyễn Hữu Gián, ông ngoại, ông nội và bố là những người đầu tiên truyền cảm hứng nghề y cho ông. Sau này là người thầy lớn - GS Nguyễn Tài Thu. Ông học được ở Giáo sư Nguyễn Tài Thu không chỉ y thuật mà còn về cả đạo đức nghề nghiệp, cách đối xử, tiếp xúc với bệnh nhân.
“Tôi học GS Nguyễn Tài Thu cách châm cứu, thủy châm, châm tê. Nói về thầy Thu thì vô biên, các bệnh nhân đều yêu quý một người thầy giỏi, tâm đức. Có lần đưa thầy Thu về khám cho ban Thường vụ của huyện Hoài Đức (Hà Nội), lúc thầy ra về, một đồng chí thường vụ ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Anh cố gắng học thầy Thu nhé, một nửa thôi cũng được”, Lương y Nguyễn Hữu Gián kể lại.
Đặc biệt, cả đời làm nghề y của Lương y Nguyễn Hữu Gián luôn khắc ghi câu nói của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Người thầy thuốc cần có tấm lòng như mẹ hiền, sửa đổi cách đối xử với bệnh nhân. Bệnh nhân đến từ nhiều vùng miền, độ tuổi, trình độ kiến thức khác nhau, người làm nghề y ưu tiên sự thấu hiểu và chia sẻ.
Cả đời làm nghề y của Lương y Nguyễn Hữu Gián luôn khắc ghi câu nói của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Ảnh: Mai Loan. |
Điều này, theo Lương y Nguyễn Hữu Gián cũng không phải quá khó. Chẳng hạn, cùng nội dung muốn chuyển tải tới bệnh nhân nhưng cách nói lại thể hiện thái độ, tấm lòng của người thầy thuốc khác nhau. “Ví dụ, khi bảo bệnh nhân chờ, thay vì nói sẵng: ‘Chị đi ra ngoài đi, chưa tới lượt chị!’, có thể nói: ‘Chị chờ một chút nữa nhé, hôm nay bệnh nhân đông quá!’.
“Thời gian làm việc tại miền Nam, tôi ấn tượng khi chứng kiến thầy thuốc đối với bệnh nhân rất ân cần, chu đáo. Có lần, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi bệnh nhân hỏi phòng khám, bác sĩ tận tay dắt bệnh nhân tới tận nơi, đó thực sự là ‘lương y như từ mẫu’, ông Gián kể.
Cũng theo ông Gián, y đức không chỉ là cách đối xử với bệnh nhân, mà còn bao gồm cả y đạo, y thuật. Một người thầy thuốc có y đức thì chuyên môn cũng phải giỏi.
Khi dạy học trò, ông hay hỏi, y đức là gì? Có người nói y đức là chăm sóc tốt, có thái độ tốt với bệnh nhân. Ông Gián giảng, như vậy chưa đúng. Thái độ tốt nhưng học không tốt, chữa không được, thì y đức ở chỗ nào? Y đức phải bao gồm cả trí tuệ, y thuật.
Trăn trở khi môn bắt mạch bị mai một dần
Lương y Nguyễn Hữu Gián cho hay, Đông y truyền lại 4 phương pháp khám bệnh là vọng, văn, vấn, thiết. Trong đó, phần thiết (bắt mạch) là quan trọng nhất, quyết định cho việc chẩn đoán 3 phần còn lại.
Học trò ngồi chăm chú ghi chép, học thầy Nguyễn Hữu Gián bắt mạch khám bệnh. Ảnh: Mai Loan. |
Theo Đông y, mạch bắt từ 4h30 - 5 giờ sáng là chuẩn xác nhất, vì khi đó, mạch chưa bị động. Trong những năm làm nghề y cho đến bây giờ, ông Gián luôn giữ thói quen dậy từ mờ sáng, đi từng giường bệnh nhân bắt mạch.
Tuy nhiên, những thầy thuốc biết bắt mạch như ông còn lại không nhiều. Đây cũng là điều trăn trở lớn nhất của ông.
“Trong một Hội nghị về y tế ở Pleiku, tôi có hỏi 2 lãnh đạo, trong đó, có đại diện của Bộ Y tế: Liệu có mở được lớp mạch cho cả nước không? Cả hai đều nói: Không mở được vì không có giáo viên”, ông Gián kể lại.
Với mong muốn giữ gìn phương pháp khám bệnh quan trọng của y học cổ truyền, Lương y Nguyễn Hữu Gián đã mở một số lớp học về bắt mạch, hiện lớp tới khóa thứ 5. Trong số học trò của ông, nhiều người đến từ trường về đào tạo y khoa.
Bắt mạch được đánh giá là phương pháp chẩn bệnh có độ khó cao, do vậy, Lương y Nguyễn Hữu Gián đã rất cố gắng truyền dạy để học trò có thể nắm và tiếp thu được. “Để dạy được học trò, người thầy phải đối với người trò như bố đối với con, như với bạn bè thân thiết”, Lương y Nguyễn Hữu Gián nói.
Chị Lê Thị Thúy Hà, học trò của Lương y Nguyễn Hữu Gián chia sẻ, thầy Gián dạy học rất nhiệt tình, không giấu kiến thức, giấu nghề nhưng thầy cũng rất nghiêm khắc.
“Khi học thầy, những kiến thức ở trường tự nhiên được soi tỏ lại, sáng rõ. Thầy có khi coi trò còn hơn con, con thầy có khi còn vừa phải bốc thuốc vừa nghe thầy giảng, không được như trò ngồi ‘đàng hoàng’, chị Hà chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video: Lương y Nguyễn Hữu Gián bắt mạch khám bệnh cho bà con tại Ngày hội Đông y năm 2023. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.