Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR) vừa công bố nghiên cứu về mối liên hệ giữa lương và năng suất, trong đó tập trung vào phân tích việc tăng lương tối thiểu của Việt Nam trong thời gian qua. Các chuyên gia kinh tế của VEPR cho rằng, lương tối thiểu của Việt Nam tăng cao hơn năng suất lao động, sẽ tác động xấu đến nền kinh tế.
Lao động tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Lương tối thiểu tăng cao hơn năng suất
Theo báo cáo của VEPR, lương tối thiểu của Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2015 tăng ở mức trung bình hai con số, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết: Giai đoạn 2007 - 2016, lương tối thiểu tăng ở mức 11 - 70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn này tăng trung bình đạt 4,4%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
"Trong khu vực, Việt Nam là nước duy nhất có tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động, điều này sẽ tác động lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Thành nhận định.
Mục đích của tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR cho biết: "Hiện 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng, số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, khu vực kinh tế nhỏ và vừa. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng vì số lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu".
Tiến sĩ Futoshi Yamauchi, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hoa Kỳ đánh giá tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực, về góc độ kích thích đầu tư khi tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận, doanh thu của doanh nghiệp giảm đi 2,3%.
Hiện nay, theo nghiên cứu của WB, nếu mức tăng lương lao động tối thiểu hoặc lương lao động trung bình cao hơn thì có thể khiến tác động tiêu cực đến chính lao động nghèo. Cụ thể, để giảm chi phí lao động, các doanh nghiệp sẽ sử dụng ngày càng nhiều máy móc thay vì sử dụng lao động như trước kia. Những ngành thâm dụng lao động như dệt may, thủy hải sản, lắp ráp điện tử... sẽ phải bắt buộc đầu tư mua sắm các dây chuyền, máy móc tự động để giảm chi phí.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, cho rằng: “Nếu tăng lương tối thiểu thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy các cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Chúng ta nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu, đồng thời với tăng chính sách bảo trợ xã hội".
Vẫn cần hành lang bảo vệ lao động yếu thế
Dưới góc nhìn của cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng nghiên cứu vừa được công bố của VEPR còn nhiều vấn đề phải xem xét. Báo cáo khảo sát cho rằng tiền lương tối thiểu tăng nhanh so với năng suất lao động. Tuy nhiên, báo cáo không chỉ ra năng suất lao động xã hội hay năng suất lao động công nghiệp? Còn tiền lương tối thiểu đang điều chỉnh trong khu vực công nghiệp buộc phải so sánh với năng suất lao động công nghiệp, không thể so sánh tiền lương trong khu vực công nghiệp với năng suất lao động xã hội. Đây là so sánh khập khiễng.
"Có thực trạng khi đi giám sát về tiền lương và bảo hiểm xã hội cho thấy doanh nghiệp xây dựng hai hệ thống bảng lương. Trong đó, một bản lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, tiền lương tối thiểu trở nên méo mó. Do vậy, cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội cần có sự phối hợp với nhau để có thể xử lý được vấn đề này", ông Mai Đức Chính đánh giá.
Đều chỉnh tiền lương tối thiểu phụ thuộc vào các yếu tố tốc độ trượt giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá nhân công thị trường, khả năng chi trả của doanh nghiệp… nhưng phải tính yếu tố tăng thêm tiền lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu.
Khảo sát tại một số khu công nghiệp cho thấy lương của hai vợ chồng công nhân 10 triệu đồng/tháng là không đủ sống. Có tới 16% người lao động có tích lũy, đa số công nhân phải sống tằn tiện kham khổ.
Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động (Bộ LĐTBXH), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia khẳng định: "Lương tối thiểu là mức sàn để đảm bảo cho người lao động yếu thế, có trình độ, tay nghề thấp… nhận được mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống tối thiểu. Một nền kinh tế thị trường phải có lương tối thiểu để đảm bảo cho những lao động có tay nghề, làm đủ ngày công, không vi phạm kỷ luật… được chủ lao động trả cho một mức lương cơ bản không quá thấp, để duy trì cuộc sống, tái sản xuất sức lao động. Do đó sẽ không có việc bỏ mức lương tối thiểu vùng".
Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường và tiền lương được tính toán dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động. Tiền lương tối thiểu chỉ là mức lương sàn để hai bên thỏa thuận về tiền lương. Còn mức lương của người lao động phải tùy thuộc vào kỹ năng, năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, mức lương của người lao động phải là mức lương bình quân, mức lương thực nhận được thỏa thuận chứ không phải là mức lương tối thiểu.
“Một số doanh nghiệp lợi dụng mức lương tối thiểu vùng để xây dựng hệ thống 2 bảng lương. Một bảng lương trên mức lương tối thiểu vùng để đóng BHXH và một bảng lương thực tế gồm lương và các khoản phụ cấp. Điều này khiến lương tối thiểu bị hiểu méo mó”, bà Tống Thị Minh nhận xét.
Khi bàn về tăng lương tối thiểu, Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã tính đến sự tác động của nó với nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh chịu tác động lớn bởi lương tối thiểu. Trong đó có 4 ngành gồm: Dệt may, da dày, thủy sản, chế biến gỗ sử dụng nhiều lao động phổ thông nên đa phần các doanh nghiệp vẫn trả lương bằng hoặc nhỉnh hơn so với lương tối thiểu vùng. Những ngành này chủ yếu làm gia công, giá trị sản phẩm thấp, năng suất lao động thấp.
“Hiện Chính phủ đã có những điều chỉnh tỷ lệ tăng lương hàng năm cho phù hợp. Lương tối thiểu trong giai đoạn hiện tại đã tăng chậm lại (chỉ ở 1 con số trong khoảng hơn 6 - 7% năm) vì mức lương đã gần tiệm cận được với mức sống tối thiểu. Những giai đoạn trước lương tối thiểu vùng tăng nhanh là bởi mức lương cách xa mức sống tối thiểu”, bà Tống Thị Minh cho biết.