Luật sư “mổ xẻ” vụ 5 trẻ sơ sinh bị đánh rơi
(Kiến Thức) - “Nếu xác định chính xác hành vi cố ý làm rơi 5 em bé từ xe đẩy xuống đất thì có thể điều dưỡng viên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Trí Tú - Đoàn luật sư Hà Nội, Giám đốc Công ty luật Minh Đức, về vụ việc điều dưỡng Trần Thị Vân Anh làm đổ xe, rơi 5 bé sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngày 14/7 vừa qua.
|
Luật sư Nguyễn Trí Tú |
Cụ thể, luật sư Tú phân tích, trong sự việc này cần xem xét cụ thể lỗi của điều dưỡng viên là vô ý hay cố ý:
“Trong trường hợp điều dưỡng vô ý làm đổ xe gây hậu quả chưa nghiêm trọng, không đến mức nặng nề thì có thể xem xét dưới góc độ kỷ luật nội bộ.
Các cháu bé sơ sinh rơi ở độ cao khoảng 1 mét, từ xe đẩy xuống đất có thể gây chấn thương: gãy tay, chân, chấn động não… là hoàn toàn có thể xảy ra. Và cô điều dưỡng hoàn toàn liệu trước được điều này khi học nghiệp vụ.
Điều 109 Bộ Luật Hình sự. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trong trường hợp gia đình, người nhà không có khoản cảm ơn cho các cô điều dưỡng này – như một sản phụ cho biết - để có hành vi tức tối, mạnh tay gây hậu quả nghiêm trọng thì đó là lỗi cố ý. Khi đó, hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân gây ra sự việc.
Nếu xác định được chính xác hành vi đó là cố ý làm rơi em bé từ xe đẩy xuống đất gây chấn thương sọ não thì sẽ phải xem xét quy định 109 của Bộ luật Hình sự, Tội vô ý gây thương tích”.
Đồng quan điểm với luật sư Tú, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, nhận định: “Ở đây có dấu hiệu của việc vô ý vì cẩu thả, hoặc vì quá tự tin nên không thực hiện đúng quy tắc nghề nghiệp dẫn đến việc làm rơi các cháu bé”.
Luật sư Tiến cho rằng, điều dưỡng viên trực tiếp gây lỗi, nhưng lỗi ở khâu đào tạo thực hành thuộc trách nhiệm của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Trách nhiệm bồi thường theo luật quy định là của người sử dụng lao động, là bệnh viện. Sau đó, cô điều dưỡng có trách nhiệm trả lại bệnh viện theo yêu cầu.
“Nếu là cố ý thì có thể xét là hành vi gây phạm tội rồi, tình tiết tăng nặng là lợi dụng nghề nghiệp để phạm tội. Nếu vì tiêu cực, vòi vĩnh tiền thì không gọi là vô ý nữa.
Trường hợp gây thương tích, dẫn đến tử vong cho cháu bé thì cá nhân cô điều dưỡng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Tiến nói.
|
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến |
Theo luật sư Nguyễn Trí Tú: “Trong trường hợp hành vi của cô điều dưỡng chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cần những chi phí thuốc thang thì gia đình có quyền đòi cô điều dưỡng và bệnh viện phải bồi thường. Đồng thời, gia đình các cháu bé hoàn toàn có quyền yêu cầu bệnh viện xin lỗi vì để xảy ra sự việc đáng tiếc đó”.
Điều dưỡng Trần Thị Vân Anh hiện đã bị tạm đình chỉ công tác để chờ kết luận chính thức của hội đồng kỷ luật bệnh viện. Tuy nhiên, theo các luật sư, sự việc không mong muốn này thực sự là bài học cảnh tỉnh với bộ phận y, bác sĩ, điều dưỡng viên… Bài học về đạo đức nghề nghiệp, vì chưa tận tâm, vô tình hay cố ý gây ra những sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh mạng của con người.
Vào lúc 9h ngày 14/7 ở khoa A3 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, điều dưỡng Trần Thị Vân Anh đẩy xe đón năm cháu sơ sinh từ phòng điều trị 30 và 32 để tắm cho các cháu. Khi qua đoạn dốc trước cửa phòng 32, điều dưỡng này bị trượt chân, làm nghiêng và đổ xe.
Ngay sau đó, kíp trực khoa A3 đã mời ngay bác sỹ trực sơ sinh khám cấp cứu cho 5 trẻ sơ sinh, đồng thời báo cáo tình hình sự việc Ban Giám đốc bệnh viện.
Cùng ngày, 5 trẻ sơ sinh đã được kiểm tra và chuyển đi Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám và kết luận 4 trẻ không có dấu hiệu bất thường. Bé sơ sinh còn lại bị nghi ngờ chấn động não nên được lưu lại để tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến ngày 16/7 thì được chuyển về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tiếp tục theo dõi.
Đến ngày 17/7, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh đã trực tiếp thăm hỏi và trao đổi với các gia đình của năm cháu bé. Bệnh viện đã làm việc với 5 gia đình để tiếp tục phối hợp theo dõi các cháu trong vòng 6 tháng, nếu có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, bệnh viện sẽ khám chữa hoặc chuyển bệnh viện chuyên khoa nếu vượt quá phạm vi chuyên môn của bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện miễn hoàn toàn viện phí cho 5 sản phụ.
Ngày 24/7, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã họp hội đồng kỷ luật đối với việc làm rơi 5 trẻ sơ sinh của điều dưỡng Trần Thị Vân Anh. Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện cho biết, Hội đồng kỷ luật bệnh viện kết luận, việc rơi các bé không phải do cố ý mà là do sơ ý trượt chân của điều dưỡng Vân Anh.