Trong hai đại án lớn xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Đinh La Thăng đều bị truy tố tội danh “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2018 thì tội danh này sẽ không còn.
Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu ông Đinh La Thăng có được thay đổi tội danh khi Bộ luật hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành?
Ông Đinh La Thăng. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo các quy định hiện hành, đặc biệt căn cứ Nghị quyết 41 của Quốc hội ngày 20/6/2017 hướng dẫn thi hành BLHS thì trường hợp ông Đinh La Thăng vẫn tiếp tục xử lý theo điều 165 Bộ Luật hình sự năm 1999 - tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" .
Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, Bộ luật hình sự 2015 đã bổ dung 9 tội danh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội với các loại tội danh mang đặc điểm tương tự như tội cố ý làm trái gồm:
- Tội vi phạm các quy định về cạnh tranh;
- Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản;
- Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí;
- Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng;
- Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng;
- Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ;
- Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
Căn cứ Nghị quyết 41 của Quốc hội ngày 20/6/2017 hướng dẫn thi hành BLHS quy định riêng biệt đối với tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo BLHS 1999", ở Điều 159, hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó, vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý.
Bên cạnh đó, vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc BLHS năm 2015 không quy định tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội.
“Căn cứ quy định Điều 159 thì những vụ án khởi tố theo Điều 165 BLHS năm 1999 mà các cơ quan tố tụng khởi tố trước 1/1/2018 thì vẫn tiếp tục xử lý”, Luật sư Thơm cho biết.
Điểm e - Nghị quyết 41 của Quốc hội ngày 20/6/2017 hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự quy định riêng biệt đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo BLHS 1999 như sau:
- Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;