Luật BHXH 2024 vừa được Quốc hội thông qua giữ nguyên lộ trình tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để hưởng lương hưu, trợ cấp một lần với lao động trong doanh nghiệp. Đó là bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Riêng lao động khu vực nhà nước tính bình quân 5 - 20 năm với người gia nhập hệ thống tùy từng thời điểm. Người đóng BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi, tính bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Cụ thể:
Lao động tham gia BHXH cả hai khu vực thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng chung của hai giai đoạn. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng trong một số trường hợp đặc biệt.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động tiền lương cho biết, việc điều chỉnh cách tính lương hưu (từ tính bình quân 5 năm cuối lên tính cả quá trình đóng BHXH) là phù hợp với chính sách cải cách tiền lương và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
“Mức lương giai đoạn trước thấp, nếu tính cả quá trình đóng BHXH thì mức lương hưu sẽ rất thấp. Điều này bất lợi cho người lao động. Do vậy, Luật BHXH tính tăng dần là phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc khu vực công. Hiện nay, khi mức lương khu vực nhà nước được nâng lên thì việc tính cả quá trình là phù hợp”, vị chuyên gia này cho biết.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một trong những nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng. Việc quy định mức lương hưu được tính trên cơ sở tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ quá trình đóng là phù hợp với nguyên tắc nêu trên.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tiền lương bình quân đóng BHXH của người lao động thuộc nhóm hành chính, sự nghiệp, đảng đoàn thể là 6,936 triệu đồng, của người lao động thuộc khối doanh nghiệp, hợp tác xã là 6,382 triệu đồng. Chênh lệch tiền lương đóng giữa hai nhóm đối tượng trên khoảng 9%.
Tính đến tháng 12/2023, có 1,27 triệu người hưởng lương hưu (khi nghỉ hưu hưởng chế độ tiền lương của Nhà nước). Mức lương hưu bình quân của nhóm này là 6,1 triệu đồng/tháng.
Tính chung cả khu vực nhà nước và tư nhân, người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH có mức hưởng bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng.
Đóng bảo hiểm tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu
Đóng BHXH tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu cũng là một điểm mới trong Luật BHXH 2024. Đây là một trong những quy định quan trọng được rất nhiều người lao động quan tâm.
Tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải đóng đủ 20 năm theo quy định cũ.
Điều này làm tăng cơ hội cho những người đã trót rút BHXH 1 lần trước đó vẫn có thể kịp thời gian đóng 15 năm BHXH.
Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng.
Bên cạnh đó, tại Luật BHXH 2024 còn có những nội dung mới được quy định như: Chưa giảm tuổi hưu, thêm đối tượng được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, được hưởng BHXH một lần với người chưa đóng đủ 20 năm, bỏ quy định cấm xuất cảnh đối với người trốn đóng BHXH bắt buộc và BHXH thất nghiệp...