Trường vùng lũ (Sơn La) còn trăm mối lo cho năm học mới khi mà mọi thiết bị, sách vở đều cuốn theo dòng nước. Ảnh: Nghiêm Huê. |
Lọt top và đề án 2 vạn tiến sĩ, bao giờ?
Đầu tuần, dự lễ khai giảng tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, sau khi giao cho trường 6 nhiệm vụ cần thực hiện trong năm học mới và thời gian tới, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn Đại học Kinh tế Quốc dân phấn đấu đứng trong top 500 trường đại học châu Á.
Tháng 6 vừa qua, theo bảng xếp hạng QS World University Rankings, lần đầu tiên, 2 trường đại học Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới. Đó là hai ĐH quốc gia ở top từ 700 - 1000. Trước đó, Việt Nam mới chỉ có 6 trường ĐH có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018.
Còn với bảng xếp hạng THE châu Á năm ngoái, Việt Nam không giành được bất cứ vị trí nào. Trong khi đó, những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore từ lâu đã giành được các thứ hạng cao.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 20.198 giảng viên. Số lượng giảng viên là thạc sĩ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn với trên 44.000 người. Trong khi đó, Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020, giai đoạn 2012 - 2016 (gọi tắt là đề án 911) không đạt được mục tiêu đề ra. Đề án 911 có tổng kinh phí 14 nghìn tỷ đồng với mục tiêu đào tạo 23 nghìn tiến sĩ.
Trong đó, mục tiêu đặt ra trong Đề án giai đoạn 2012 đến 2016 là 12.800 tiến sĩ (gồm 5.700 chỉ tiêu đào tạo trong nước, 5.800 chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài và 1.300 chỉ tiêu đào tạo phối hợp). Tuy nhiên, kết quả đạt được tính đến hết năm 2016 khá thấp. Cụ thể, giai đoạn 2012-2016, mới tuyển được 2.062 nghiên cứu sinh đào tạo trong nước, đạt 36% chỉ tiêu. Các hình thức đào tạo khác đều đạt hiệu quả rất thấp.
Các trường ĐH vẫn đang rất thiếu tiến sĩ, nhưng đề án đào tạo tiến sĩ không hiệu quả. Việc lọt top 500 châu Á vẫn còn là mục tiêu khá xa vời đối với các trường ĐH Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc bài toán cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vẫn là một thách thức đối với các trường ĐH Việt Nam.
Chương trình SGK mới: Thách thức từ nhiều phía
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, với bậc học phổ thông, song song với thực hiện những nhiệm vụ năm học, ngành sẽ tập trung vào công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện CT - SGK mới theo lộ trình được Quốc hội đề ra. Có nhiều việc phải làm trong công tác này, trong đó phải chuẩn bị đội ngũ thầy, cô giáo và cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp và hiệu trưởng, đội ngũ cán bộ quản lý phải được bồi dưỡng, đào tạo lại đáp ứng quy chuẩn mới. Quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên, với hơn 1 triệu giáo viên trực tiếp đứng lớp, đã được đào tạo cơ bản theo cách dạy học truyền thống, giờ chuyển sang cách dạy học theo mục tiêu đổi mới là phát triển phẩm chất, năng lực người học, nếu không được bồi dưỡng, đào tạo lại sẽ khó đáp ứng.
Như vậy, ngoài nhiệm vụ trọng tâm năm học, ngành còn nhiệm vụ là bồi dưỡng giáo viên đáp ứng CT - SGK mới, trước mắt là đội ngũ cốt cán, giáo viên lớp 1.
Tuy nhiên, điều dư luận lo ngại chính là vấn đề tài chính cho mỗi lần đổi mới CT- SGK. Vì đây không chỉ tiền của nhà nước mà còn là tiền đóng góp của người dân. Theo Báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/9/2014, lúc đó Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tổng kinh phí cho đổi mới CT - SGK sau 2015 là 778,8 tỷ đồng.
Theo đó, cần khoảng 462 tỷ đồng để tập huấn cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết SGK, thẩm định SGK. 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn.
Tuy nhiên, số tiền này chưa bao gồm kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ đổi mới. Đồng thời chưa bao gồm kinh phí đào tạo lại đội ngũ giáo viên cũng như hỗ trợ địa phương để thực hiện CT - SGK mới, cũng chưa bao gồm hàng nghìn tỷ đồng của người dân mỗi năm mua SGK mới.
Một số tiền khổng lồ cho công cuộc đổi mới toàn diện đối với giáo dục phổ thông của ngành giáo dục. Nhưng dư luận không khỏi băn khoăn với CT - SGK mới, liệu có lặp lại vết xe đổ của chương trình 2000 đang thực hiện?