Vừa xuất chuồng đàn lợn 13 con với giá lợn hơi 85.000đ/kg, bà Hà (Tam Nông, Phú Thọ) thu về hơn 100 triệu. Không giấu nổi sự vui sướng, bà chia sẻ: “Tôi không ngờ mình lại may mắn thế. Nhà có con lợn nái, sinh được 13 con lợn con đúng mùa dịch. Dạo ấy, lợn hơi người ta mua có 33.000đ/kg, lợn con giống họ trả có 150.000đ/con. Tôi tiếc của nên để lại nuôi hết. Vừa nuôi vừa lo, nhỡ bị dịch là mất công toi”.
Để tránh dịch, hàng ngày, bà Hà thường đốt bồ kết tại khu chăn nuôi, luôn dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và đặc biệt, không mua thịt lợn ngoài chợ về ăn. “Nhà tôi không bao giờ mua thịt lợn ngoài chợ, muốn ăn lại chọn nhà nào lợn sạch, rủ 3-4 người mổ đụng nhau một con ăn dần. Được cái ở quê đất rộng, nhà cách nhà xa nên dù xung quanh xóm bị dịch chết hết mà mấy con lợn nhà tôi vẫn khỏe mạnh”, bà Hà nói.
Nhờ giữ lại đàn lợn giống giá rẻ mà bà Hà có đàn lợn hơn một tạ xuất chuồng giá cao kỷ lục. |
Gần tết, mỗi con lợn nhà bà Hà được khảng 80kg, giá lợn hơi khoảng 73.000đ/kg, mấy đứa con bà cứ giục bà bán hết đi để ăn Tết cho đỡ phải chăm nhưng bà nghĩ, nuôi thêm một tháng mỗi con lợn tăng chục cân cũng được gần một triệu, chờ khi mỗi con hơn 1 tạ thì bán. “Lúc ấy tôi nghĩ, chắc chắn lợn sẽ tăng chứ không giảm. Tết nhu cầu ăn thịt lợn nhiều, phục vụ Tết và lễ hội, đình đám nên ra Tết giá sẽ cao. Ai ngờ trúng quả thật. Cám thì rẻ mà lợn đắt lên gấp 2-3 lần nên đây là lần nuôi lợn lãi nhất trong đời , bà Hà vui vẻ chia sẻ.
Hiện tại, đàn lợn con gối đàn nhà bà Hà có 11 con, mỗi con tầm 7-8kg, thương lái đang trả 2 triệu/con nhưng bà vẫn chưa muốn bán.
Nhà bà Lan (Hải Hậu, Nam Định) cũng may mắn không kém. Bà Lan cho biết: “Nhà tôi mấy đời nấu rượu nên bỗng rượu thừa lại dùng để nuôi lợn. Không mất tiền mua cám công nghiệp, đàn lợn 7 con cứ thế ăn bỗng rượu rồi lớn nhanh như thổi. Tôi nghĩ, cứ nuôi, nếu giá thấp quá thì rủ anh em hàng xóm mổ lấy thịt ăn cũng được. Mình chỉ mất công chứ có mất gì đâu”.
Đàn lợn nhà bà Lan nuôi từ tháng 6 năm ngoái, lúc lợn đắt nhất lên 84.000đ/kg thì lợn bé quá, chỉ tầm 50kg/con nên chưa xuất chuồng được. “Sau đó giá lợn lại xuống tận 10 giá, còn 72.000đ/kg làm tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ mãi. Tự nhủ, chắc số mình khổ nên làm gì sắp đến ngày hái quả thì lại mất giá. Ai ngờ ra tết, khi đàn lợn được 90kg- 1 tạ thì lợn lại tăng vùn vụt. Hôm nay tôi bán 7 con lợn cũng bỏ túi được hơn 60 triệu. Có tiền mua cho thằng út cái xe máy mới rồi", bà Lan bộc bạch.
Anh Trường, một chủ trang trại ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, 2 năm nay, số lượng đàn lợn của gia đình anh có khoảng 300 con. Từ đầu năm 2019 đến nay, anh cho xuất chuồng được 2 lứa, mỗi lứa 200-300 con và đều được giá cao. Để tránh bị dịch tả lợn châu Phi, toàn bộ hệ thống trang trại đều được khử trùng. Người lạ vào đều phải mặc quần áo bảo hộ, rửa sạch tay và đeo khẩu trang để tránh vi khuẩn ảnh hưởng đến khu chăn nuôi. Vì thế, đàn lợn của gia đình anh luôn được đảm bảo khỏe mạnh và phát triển tốt.
Lợn giống nhà anh Trường được bật đèn sưởi. Toàn bộ chuồng trại được khử trùng hàng ngày. |
“Hiện tại đàn lợn 300 con của tôi khoảng một tháng nữa mới đến tuổi xuất chuồng. Mấy ngày nay thương lái liên tục gọi hỏi mua nhưng tôi chưa bán. Theo đà này có thể một thời gian dài nữa thịt lợn mới hạ”, anh Trường nhận định.
Lý giải phán đoán của mình, anh Trường cho rằng, dịch bệnh tả lợn châu Phi mới được dập tắt khoảng 1 tháng nay, số lượng tái đàn còn thấp, không đủ cung cấp ra thị trường. Thêm dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty chăn nuôi, hộ ra đình, nên ít nhất giá lợn sẽ ở mức cao thêm vài tháng nữa mới hạ được.
Giá lợn hơi tăng đột biến, các tiểu thương chợ truyền thống bán thịt cầm chừng. |
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá lợn hơi tăng đột biến trong những ngày vừa qua. Trước hết, do doanh nghiệp xuất bán không nhiều, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lợn để bán nên giá bị đẩy lên. Cùng với đó, khâu trung gian là các chủ giết mổ và tiểu thương vẫn giữ mức giá bán cao. Mặt khác, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, chiếm khoảng 65%-70% về đầu con.
Do đó, việc tiêu thụ tại các vùng, miền phần lớn phụ thuộc vào thương lái (thu mua, tự giết mổ bán cho tiểu thương tại các chợ). Đây cũng là nguyên nhân khiến việc tổ chức lưu thông phân phối thịt lợn trên thị trường gặp nhiều khó khăn và giá thịt lợn bị đội lên.