Lối sống người lớn làm hỏng trẻ con

Lối sống người lớn làm hỏng trẻ con
- Lối sống thiếu lý tưởng, không mục đích, buông thả, sính bạo lực, thậm chí thác loạn của một bộ phận thanh thiếu niên cho thấy những khủng hoảng trong đời sống xã hội. Đó là những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Nguy cơ bão hoà mọi thị hiếu

Trong bài thơ "Bếp lửa" của ông, tình cảm bà cháu thật đẹp. Nhưng phải chăng vì vất vả, khó khăn, nghèo khổ nên người ta mới thương nhau đến thế?

Khi người ta đang phải hy sinh, phải vượt nghèo vượt khó để đảm bảo được cuộc sống tối thiểu, nhìn đâu cũng thấy khó khăn, vất vả, thì dễ hiểu là giữa người với người dễ nảy sinh sự mủi lòng, tình thương, sự cảm thông. Đó cũng là quy luật tự nhiên. Đứa trẻ thấy bà, thấy mẹ mình khổ cực như thế, chịu đựng như thế, đến mức quên cả bản thân, hy sinh mọi thứ cho mình, thì không lẽ gì nó lại không mở lòng đáp lại.

Còn những đứa trẻ hiện nay thì sao, phải chăng nó không còn mở lòng như thế hệ trước đó?

Nói thế cũng có cái lý về logic hình thức. Nhưng vấn đề ở đây là đứa trẻ phải được giáo dục ra sao để có ý thức thường trực biết yêu thương. Ngay cả khi đầy đủ rồi người ta vẫn phải biết tạo cho nhau niềm vui và sự sẻ chia. Nếu không giáo dục được tình cảm chân chính đó cho trẻ em thì dù kinh tế có phát triển đến mấy đi nữa, đời sống có vươn cao đến mấy đi nữa, chúng ta vẫn sẽ chỉ nuôi dưỡng nên một lớp trẻ ích kỷ, ỷ lại và đòi hỏi hưởng thụ, dửng dưng với mọi thứ, sống vô trách nhiệm với tất cả mọi người và với bản thân mình.

Tôi cứ nghĩ dường như chúng ta chưa biết cách sống cho sung sướng? Tại sao vật chất thì khá hơn mà con người lại ích kỷ hơn?

Đây là một câu hỏi khó! Và điều này không phải riêng xã hội ta đâu, mà cả thế giới đang phải hứng chịu. Khi đời sống vật chất khá lên, lối sống hưởng thụ ngày càng được thỏa mãn, xã hội tiêu dùng ngày càng lấn tới toàn cục, thì tự nhiên con người có một sự diễn biến rất khác thường! Nền văn minh của con người khi đi qua giai đoạn xã hội tiêu thụ, nó quá thừa thãi, quá lãng phí, đến mức mọi nhu cầu hưởng thụ cũng hóa ra vô nghĩa. Rồi sẽ dẫn đến nguy cơ bão hòa mọi thị hiếu và ao ước, hủy hoại mọi giá trị thiêng liêng, mọi hoài bão mang tính lý tưởng, sự thờ ơ của con người trước tất cả mọi thứ. Không còn biết mình thích gì nữa thì đó là sự trống rỗng!
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Lý tưởng và ý thích

Trước sự khắc nghiệt đó, ông có thể chia sẻ cách sống của mình?

Sống trong thời đại này là khó lắm, chả có ai dám dạy khôn được cho ai! Trong phạm vi nhỏ hẹp của cá nhân mình, tôi tạm nêu ra 3 tiêu chí quan trọng: Thứ nhất là mình gắng sống được theo ý thích của mình, làm cái gì mình tâm đắc và dành được nhiều thời gian cho cái mà mình thích thú nhất. Thứ hai là đừng bán mình chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, nhưng cũng phải chịu khó làm ăn lương thiện để có đủ tiền sống, để không đến nỗi quá nghèo hèn, khốn khổ vì miếng ăn hàng ngày. Thứ ba là phải giữ cho hậu phương yên ổn, gia đình tốt đẹp, vợ con tử tế. Tôi có mấy đứa con, may mắn là chúng đều được giáo dục đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn, không xấu hổ với xã hội. Đấy cũng là lý do để mình sống vui vẻ, yêu đời, đỡ bị tổn thọ.

Sống theo ý thích? Thì chính lớp trẻ ăn chơi cũng vì lý do sống theo ý thích đấy chứ?

Sống theo ý thích của tôi là thế này: Trước kia mình học luật, nhưng yêu thích văn học, nên sau khi phục vụ đủ trong ngành luật rồi thì mau chóng chuyển sang làm văn học. Đó không phải là thú chơi tùy hứng, mà là sở thích một đời. Cái thích thứ hai là thích được sống một cách phóng khoáng, nhẹ nhõm, không thủ đoạn, bon chen, phiền lụy bất cứ ai. Thứ ba là ý thích đi đây đi đó, được xê dịch, thưởng ngoạn, du lịch chỗ nọ chỗ kia. Cái cuối cùng là được sống đơn giản, chân thật, không phải khoác lên mình một cái vỏ lụng thụng, che đậy áo xống nặng nề, giả tạo, hoặc gây nhiều phiền hà, rối rắm trong cuộc sống. Và tôi luôn tạo điều kiện để có được cách sống ấy.

Nhưng có những người cho rằng họ bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, của đồng tiền mà không cưỡng lại được?

Mỗi người trong hoàn cảnh của mình đều phải tự tiên liệu để biết sống như thế nào là vừa đủ, để mình vẫn được là mình, dù đứng trong vòng xoáy của bất cứ thế lực nào đi nữa. Còn những người không cưỡng lại được những vòng xoáy của định mệnh, thì tất nhiên họ sẽ bị trả giá, biết làm sao được!

Vậy ý thích đó chính là lý tưởng?

Dùng chữ lý tưởng nghe trừu tượng và sách vở hơn. Như các cụ nói, ở đời đạt được cái ý của mình đã là một sự quý lắm rồi. Ý ấy có khi còn nhất quán hơn là lý tưởng. Còn ý thích dành cho bước đường phấn đấu một đời thì cũng là lý tưởng đấy, vì trong đời phải có mục đích nào đó kiên định để phấn đấu, say mê. Tôi không gắn nó với các ý thích nhất thời, tạm bợ. Có khi còn có những ý thích kỳ quặc, quái đản, bệnh hoạn.

Ngược tiến hóa trở về làm con thú

Đó chính là cái mà giới trẻ ngày nay dễ sa vào?

Một bộ phận lớp trẻ, khi đã không còn mục đích gì cao đẹp để noi theo, hoàn toàn buông thả theo bản năng, thì họ đang đi ngươc lại quá trình tiến hóa, muốn trở về làm con thú! Đó là sự tha hóa đến tận cùng về nhân cách, không thể nào hiểu được trong xã hội chúng ta. Đó cũng là cái tát nảy đom đóm vào mặt tất cả chúng ta, thế hệ cha anh, những bậc phụ huynh, những ai có trách nhiệm...

Nhưng trong thực tế, chúng ta đang ngày càng bị bất lực trước tất cả những điều này?

Sự thực là chúng ta không lường hết được hậu quả nặng nề của lối sống thực dụng trần trụi, thái độ trơ tráo vô nhân tính và những biến dạng méo mó của nó. Đó là sự trả giá cho một quá trình phát triển không cân đối, phát triển kinh tế không đi đôi với sự bảo vệ và nâng cao các giá trị văn hoá và tinh thần. Đời sống vật chất, tiện nghi hưởng thụ có lên, trong khi đời sống tinh thần ngày càng bị thu hẹp, trống rỗng đi. Lối sống tha hóa của một bộ phận người lớn, kể cả những người có chức có quyền... làm hỏng con trẻ đi quá mức!

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
- Nếu một xã hội yếu, không làm được trách nhiệm của mình thì lớp trẻ sẽ mất phương hướng, không còn đích đi tới và cũng dễ hiểu là chúng trở thành ích kỷ, thực dụng đến mức trơ tráo, được chăng hay chớ và nhảy vào sống thác loạn trong vũ trường, sống bầy đàn trong khách sạn, nhà nghỉ, như bọn hippi tệ hại nhất ngày xưa. Trước khi trách lớp trẻ, phải trách người có trách nhiệm. Bởi đó là hậu quả của sự khủng hoảng lớn của xã hội chứ không phải của đơn lẻ mấy đứa trẻ mất nết, mấy gia đình liên đới này.

- Nguy cơ của xã hội không phải ở chỗ không đủ phương tiện sống mà nhiều khi lại ở chỗ là đã có phương tiện thừa thãi rồi mà không biết sống cho ra hồn, cho đúng với hoàn cảnh mình tạo ra. Đó là tai hoạ. Khi đã có đủ mọi thứ, mà giáo dục lại không chuyển theo, không tạo cho lớp trẻ một lý tưởng sống cao hơn, hoàn thiện hơn, để con người lâm vào bi kịch bế tắc, chỉ trở thành một lũ giá áo túi cơm vô nghĩa, tồn tại theo bản năng con thú mà không còn khát vọng làm con người chân chính, thì khác nào chúng ta bịt mắt che tai, gián tiếp phụ họa cho tai họa và tội ác bột phát!
Nhật Minh (Thực hiện)

Đọc nhiều nhất

Chi tiết nơi an nghỉ của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy

Chi tiết nơi an nghỉ của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy

(Kiến Thức) - Sau lễ tang tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, linh cữu của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy sẽ được đưa về quê nhà Đồng Tháp, mộ phần Anh hùng phi công sẽ được đặt dưới rặng tre trong vườn nhà.
 Chân dung 12 đại tá vừa được bổ nhiệm Giám đốc công an tỉnh

Chân dung 12 đại tá vừa được bổ nhiệm Giám đốc công an tỉnh

(Kiến Thức) - Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã điều động, bổ nhiệm nhiều giám đốc công an tỉnh, các tân giám đốc công an tỉnh đa phần đều không phải người địa phương. Đây là điểm mới trong công tác nhân sự, được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tiêu cực.

Tin mới