Lời nguyền chết chóc khiến hoàng gia Nga diệt vong

Lời nguyền chết chóc khiến hoàng gia Nga diệt vong
Rasputin xuất thân từ nông dân, ông sinh ra tại một ngôi làng nhỏ bé tại Siberia năm 1869. Từ nhỏ, ông đã có tài năng phi thường là chữa lành bệnh cho người khác. Sau này chính nhờ tài năng ấy mà ông đã giúp đỡ cho Aleksey, người thừa kế ngôi vị Sa hoàng Nga, đồng thời được Sa hoàng Nicholas trọng dụng.

Toàn bộ gia đình Sa hoàng Nicholas II bị diệt vong có thể vì lời nguyền ác độc của Rasputin.
 Toàn bộ gia đình Sa hoàng Nicholas II bị diệt vong có thể vì lời nguyền ác độc của Rasputin.

Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày, Rasputin đang nằm trên giường bệnh thì bất ngờ xuất hiện một nhóm nông dân lẻn vào nhà ăn trộm ngựa. Nhờ khả năng linh cảm đặc biệt của mình, Rasputin tìm ra được kẻ trộm và mang được ngựa về nhà. Rasputin cũng tin rằng, bản thân thuộc đấng siêu nhiên và có sức mạnh thần thánh. Ông cũng được cho là kẻ say rượu, hay đánh nhau và quấy rối phụ nữ. Ông kết hôn khi tầm 20 tuổi và có 4 người con. Trong số đó có một người con là “sản phẩm” của mối quan hệ ngoài luồng.
Chuyến thăm một tu viện ở Verhoturye đã thay đổi cuộc đời của Rasputin. Sau khi ở đó vài tháng, ông học hỏi về tôn giáo rồi rời đi và trở thành người hành hương. Năm 1901, Rasputin rời Siberia và bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên trong cuộc đời mình là tới Hy Lạp và Jerusalem.  Đôi khi ông đi bộ nhiều ngày liền mà không ăn uống gì, thậm chí không tắm rửa trong nhiều tháng. Lạ lùng hơn, ông còn đeo xiềng xích vào người để tăng mức độ khổ hạnh, tu luyện.
Người ta tin rằng, trong chuyến hành hương đó, Rasputin đã tiếp xúc và đi theo một nhánh Thiên chúa giáo bị cấm đó là tà đạo Khlysty. Giáo phái này không có thầy tế mà chỉ hát, cầu nguyện và luôn ở trong trạng thái say rượu. Ngoài ra, họ còn có tập tục tự quất roi vào cơ thể và thường xuyên tổ chức các buổi tiệc sex tập thể điên cuồng. Họ tin rằng, điều đó sẽ giúp con người đến gần Thiên Chúa hơn.

Rasputin (ở giữa) từng là một thầy tu được Sa hoàng Nicholas và các thành viên hoàng gia sùng bái bởi khả năng tiên tri và tài chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên.
 Rasputin (ở giữa) từng là một thầy tu được Sa hoàng Nicholas và các thành viên hoàng gia sùng bái bởi khả năng tiên tri và tài chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên.

Đến năm 1903, Rasputin đến Saint Petersburg. Giới quý tộc đã tôn sùng ông như tôn sùng một vị thánh. Tại đây, ông đã gặp Giám mục Theophan. Người này lúc đầu bị sốc bởi cơ thể bẩn thỉu, bốc mùi hôi hám của ông, nhưng rồi nhanh chóng bị thuyết phục bởi khả năng "siêu phàm" của ông.
Thời gian ngắn sau đó, vị giám mục giới thiệu Rasputin với các công chúa Montenegro, Militsa và Anastasia. Những thành viên hoàng gia này cũng hoàn toàn tin tưởng khả năng tiên tri và chữa lành bệnh của Rasputin. Kể từ đó, ông dần tạo dựng được uy tín về sức mạnh của mình. Lời đồn về khả năng chữa bệnh thần thánh và óc tiên tri của Rasputin không bao lâu đã truyền đến tai gia đình Nga hoàng. Những chị em của Sa hoàng giới thiệu ông với vua Nicholas II và hoàng hậu Aleksandra. Hoàng hậu rất ấn tượng với Rasputin và cho phép ông ra vào thường xuyên hoàng cung.
Hoàng tử Alexei bị mắc căn bệnh hoàng gia – máu khó đông do di truyền từ mẹ và nữ hoàng Anh Victoria. Khi đó, toàn ngộ ngự y của Sa hoàng đều bó tay, không tìm ra phương pháp chữa tận gốc căn bệnh đó cho người thừa kế ngai vàng. Vì vậy, họ chẩn đoán hoàng thái tử Alexei sẽ chết sớm vì căn bệnh quái ác. Hoàng hậu Aleksandra và Sa hoàng rất lo sợ sẽ mất con trai nên đã mời “thần y” Rasputin đến chữa bệnh.
Rasputin được thiên hạ hồi đó đồn đại rằng, ông có khả năng chữa bệnh chỉ bằng những lời cầu nguyện. Mỗi khi hoàng thái tử Alexei bị chảy máu, ông lại vào cung và cầu nguyện để sức khỏe của người thừa kế ngai vàng chuyển biến tốt lên. Kể từ đó,  gia đình Sa hoàng Nicholas II ngày càng tin tưởng và trọng dụng Rasputin.

Cụ thể, ông trở thành cố vấn quan trọng của Sa hoàng. Nhưng đôi khi, Sa hoàng cũng không nghe theo những lời đề nghị, khuyến cáo của “thần y” này. Cụ thể, Rasputin từng khuyên can Sa hoàng Nicholas làm hòa với Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Tuy nhiên, Sa hoàng đã bỏ ngoài tai lời khuyên này và hậu quả là thảm họa thương vong lớn về người và của. Hơn 4 triệu người dân Nga đã chết trong cuộc chiến tranh khốc liệt trên.

Kể từ khi được nhà vua và hoàng gia Nga tôn thờ như vị thánh sống, Rasputin ngày càng lộng quyền và có những hành động “chướng tai gai mắt” như bị buộc tội hiếp dâm một nữ tu sĩ, tham gia tà đạo Khlysty, dùng tôn giáo để thông dâm với nhiều phụ nữ trong giới thượng lưu Nga, tổ chức các buổi cầu nguyện chung để rửa tội bằng cách quan hệ tình dục với mình…

Sau đó, ông bị trục xuất khỏi Nga và đã viết cho Sa hoàng Nicholas một lá thư vào tháng 12/1916. Trong đó, Rasputin đã tiên liệu trước được việc mình sẽ bị ám sát.

Ông nói với Sa hoàng rằng, nếu những người quý tộc ám sát ông thì hoàng gia Nga chắc chắn sẽ diệt vong, chế độ quân chủ sẽ bị tiêu diệt trong một năm tới. Trong thư có đoạn viết: “Anh em sẽ giết anh em. Nước Nga sẽ chìm trong khủng hoảng suốt 25 năm”.
Quả thật, lời nguyền độc ác của Rasputin đã ứng nghiệm sau khi ông bị sát hại. Chế độ quân chủ của Nga bị diệt vong sau cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917. Gia tộc Romanov bị sát hại một năm sau đó ngay cả Sa hoàng Nicholas II, hoàng hậu, hoàng tử, 4 công chúa, ngự y hoàng gia, đầy tớ, nữ tỳ và thậm chí cả đầu bếp đều không toàn mạng.

Với những bê bối đã gây ra, Rasputin bị trục xuất khỏi Nga và bị ám sát.
 Với những bê bối đã gây ra, Rasputin bị trục xuất khỏi Nga và bị ám sát.

Hậu thế còn biết đến nhiều giai thoại ly kỳ về những vụ ám sát Rasputin. Theo Người giết Rasputin của Greg King, "thần y" kỳ bí từng bị ám hại nhiều lần. Một trong số đó là vào ngày 29/6/1914, Rasputin về quê thăm vợ con tại Pokrovskoye. Ông ta đã suýt bị giết chết. Chuyện kể rằng, khi vừa từ nhà thờ bước ra, một gái mại dâm có tên Khionia Guseva đã dùng dao đâm vào bụng ông. Người phụ nữ này là tín đồ của tu sĩ Iliodor và trước kia là bạn của Rasputin. Iliodor rất căm ghét những gì Rasputin gây ra và khuyên những phụ nữ từng bị ông ta giở trò đồi bại lên kế hoạch phục thù.  
Guseva chắc mẩm rằng, bà đã giết được thầy lang băm nhưng Rasputin được đưa vào bệnh viện kịp thời và giữ được tính mạng. Trong hồi ký của con gái ông là Maria Rasputin, có nhắc đến vụ việc này: Tuy sống sót nhưng bố của cô đã rất đau buồn và yếu đi nhiều. Ông phải dùng thuốc giảm đau và cả thuốc phiện kể từ đó.

Ngày 16/12/1916, Felix Yusupov và Dmitri Pavlovich dùng kế dụ Rasputin vào hầm của cung điện Moika. Trong lúc chờ đợi, họ sai người hầu mang rượu và bánh ngọt có tẩm thuộc độc cyanide cho ông dùng. Rasputin ăn hết những thứ đó nhưng không gặp nguy hiểm về tính mạng. Điều này khiến Yusupov và Pavlovich vô cùng kinh ngạc bởi lượng thuốc độc mà họ cho vào đủ sức giết 5 người. Thấy vậy, Yusupov bèn lén nhóm họp với phe cánh của mình bàn kế hoạch giết Rasputin. Sau đó, Yusupov cầm súng và xuống hầm bắn vào lưng Rasputin. “Thần y” lập tức ngã xuống nền đất, còn Yusupov bỏ lên phía trên hầm. Nhưng thật kinh ngạc, lúc sau Yusupov quay lại xem thi thể, bất ngờ Rasputin đứng dậy ôm chầm lấy ông thì thào bên tai nói: "Quân khốn nạn!" và toan bóp cổ kẻ dùng súng bắn mình. Đúng lúc đó những kẻ thuộc phe cánh của Yusupov dùng súng bắn tiếp 3 phát vào người Rasputin. Lúc này, Rasputin ngã xuống đất nhưng vẫn chưa chết. Thế là chúng dùng gậy đánh liên tục vào Rasputin rồi dùng vải bọc quấn lại vứt xuống sông Neva khiến ông chết đuối.
Ngày 19/12/1916, người ta phát hiện ra thi thể Rasputin nổi trên dòng sông lạnh giá Neva. Sau đó, Hoàng hậu Aleksandra sai người đem thi thể Rasputin chôn cất tại nghĩa địa hoàng gia. Tuy nhiên, sau cách mạng tháng 2/1917, thi hài của Rasputin bị người ta khai quật lên và đem hỏa thiêu tại khu rừng cạnh đó. Khi lửa cháy, các khớp xương co quắp, giật nảy lên. Những người đứng ở đó rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao lại xảy ra điều kỳ quái này. Họ rỉ tai nhau rằng, Rasputin đã trở thành quỷ dữ và sống lại báo thù.
Rasputin trở thành chủ đề nóng hổi trong giới văn học, điện ảnh và thậm chí cả âm nhạc từ đó đến nay. Trong khi một số người vẫn còn khiếp sợ vì tin vào lời nguyền của ông ta thì số khác lại tôn kính hay thậm chí oán hận người đàn ông bí ẩn này.


TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Đọc nhiều nhất

10 bức ảnh lịch sử khiến nhân loại "rụng tim"

10 bức ảnh lịch sử khiến nhân loại "rụng tim"

(Kiến Thức) - Những năm qua, các nhiếp ảnh gia chụp được nhiều bức ảnh lịch sử có "sức nặng" lay động trái tim của người dân trên khắp thế giới. Mỗi bức ảnh là câu chuyện riêng khiến người xem có những cảm xúc khó quên. 

Tin mới