Nếu ai thích thú và từng đến Bali thì hẳn đều biết nơi này không chỉ đẹp đến tê tái với những biển xanh, cát trắng mà còn là một vùng đất Phật với rất nhiều ngôi đền. Bali từng gây chấn động báo giới và các nhà nghiên cứu trong suốt một thời gian dài trước thông tin về một “ngôi chùa hơn 2000 năm tuổi” chìm sâu dưới đáy đại dương. Ngôi chùa ấy bây giờ ra sao?
Theo tư liệu ảnh chụp lại dưới lòng đại dương, ngôi chùa cổ này có rất nhiều nét kiến trúc phảng phất Borobudur, có điều trông “cũ kỹ” hơn. Khi mới phát hiện ra ngôi chùa với rất nhiều tượng phật, di tích kiến trúc, các nhà nghiên cứu căn cứ vào kiến trúc và kiểu dáng, suy đoán rằng ngôi chùa này có cùng niên đại với đền thờ Borobudur tức là vào thế kỷ 7-8sau công nguyên.
Theo như thông tin mới nhất về ngôi chùa thì đây không phải là một kiến trúc cổ xưa bị chôn vùi dưới lòng đại dương. Nó là một sản phẩm được làm nên bởi con người, chính con người hiện đại đã xây dựng và đưa những bức tượng, “những di tích” xuống dáy biển. Nguyên cớ đâu lại có sự việc này?
Trên thực tế, công trình “bị vùi lấp” này thuộc một chương trình bảo tồn của Indonesia. Tổng quan kiến trúc bao gồm 10 bức tượng và 1 ngôi chùa, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAid), đặt ở độ sâu 29m. Những tróc vẩy, những hỏng hóc, những cũ kỹ đều do một tay con người tạo nên, không phải do tác động của thiên nhiên, của núi lửa như những phỏng đoán trước đó.
Được biết vào năm 2006, giai đoạn thứ hai của công trình đã được tiến hành khởi công ở độ sâu 15m dành cho những du khách lặn biển có ít kinh nghiệm hơn.