Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ loạt bài viết ““Xưởng chế biến dăm gỗ trái phép "thi gan" cùng chính quyền” và “Nhức nhối loạt xưởng dăm gỗ hoạt động trái phép ở Hoà Bình” của Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Văn Thạch, Bí thư huyện uỷ Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đã xác nhận sẽ chỉ đạo xử lý những thông tin báo chí phản ánh.
Trước đó, ngày 19/11, UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình cũng đã có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Lạc kiểm tra, rà soát và xử lý các xưởng chế biến dăm gỗ trái phép trên địa bàn sau khi Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh.
Văn bản số 2047/UBND-KT do Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Lê Chí Huyên ký gửi nêu rõ Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện. Báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 25/11.
Tuy nhiên, ngày 26/11, ông Bùi Đức Hiển, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Lạc cho biết, Phòng vẫn chưa triển khai nội dung chỉ đạo của UBND huyện vì “bận nhiều việc” (!?).
Xưởng sản xuất, chế biến dăm gỗ trái phép tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc vãn hoạt động. Ảnh: Hữu Tuấn. |
Tìm hiểu của PV, trong nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Hoà Bình nói chung và huyện Tân Lạc nói riêng đã có nhiều chỉ đạo sát sao, tích cực trong việc xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ keo trái phép trên địa bàn. Từ đây, nhiều cơ sở vi phạm pháp luật đã bị dẹp bỏ hoặc khắc phục, bổ sung các điều kiện theo yêu cầu để ổn định sản xuất, bền vững và lâu dài, mang lại hiệu quả, lợi ích cho cả hộ kinh doanh và Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều cơ sở chế biến lâm sản, dăm gỗ trái phép trên địa bàn huyện Tân Lạc ngang nhiên hoạt động, bất chấp “lệnh” tháo dỡ, khắc phục hậu quả gây bức xúc dư luận. Từ đây cũng đặt nghi vấn về những dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cơ quan hữu quan trong việc xử lý vụ việc mặc cho lãnh đạo cấp trên có chỉ đạo quyết liệt.
Được biết, năm 2022, trước sự hoạt động trái phép tràn lan của các cơ sở chế biến lâm sản, dăm gỗ, UBND huyện Tân Lạc đã phát đi văn bản số 1237/UBND-KT gửi các Phòng: Tài nguyên và Môi trường; Kinh tế và Hạ tầng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính - Kế hoạch, Lao động – Thương binh và Xã hội; Công an huyện; UBND các xã Ngọc Mỹ, Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Phong Phú và thị trấn Mãn Đức.
Theo đó, UBND huyện Tân Lạc chỉ đạo UBND các xã, thị trấn yêu cầu các cơ sở chế biến gỗ keo dừng mọi hoạt động sản xuất trái phép trên địa bàn huyện (danh sách có 7 cơ sở mà Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh).
Giao các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn Mãn Đức căn cứ các quy định của Nhà nước hiện hành xử lý hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ keo, chăn nuôi trái phép trên địa bàn huyện.
UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời, đúng quy định các hành vi vi phạm pháp luật. Địa phương nào để xảy ra tình trạng sản xuất, chế biến gỗ keo, chăn nuôi trái phép mà không xử lý hoặc báo cáo kịp thời theo quy định thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch các khu cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung để phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế những nội dung chỉ đạo trên của UBND huyện Tân Lạc đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc khi các cơ sở chế biến lâm sản, dăm gỗ trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Khu vực sản xuất kinh doanh tập trung vẫn chưa hình thành…
Là địa phương tồn tại cơ sở chế biến dăm gỗ trái phép nhiều năm (hộ gia đình bà Hà Thị Được), ông Bùi Văn Nức, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, huyện Tân Lạc thừa nhận, mặc dù chính quyền địa phương đã ra Quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu chấm dứt hoạt động tập kết, sản xuất chế biến dăm gỗ trái phép, nhưng chủ xưởng vẫn bất tuân.
“Thẩm quyền của UBND xã cũng chỉ dừng lại việc lập biên bản, xử phạt hành chính với số tiền dưới 5 triệu đồng. UBND xã cũng đã báo cáo tình trạng trên đến UBND huyện Tân Lạc, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm”, Chủ tịch UBND xã Phong Phú nói và cho rằng nếu muốn xử lý triệt để xưởng sản xuất gỗ dăm này chỉ còn biện pháp yêu cầu cơ quan chức năng cắt điện.
Ông Bùi Văn Hiển, Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức cũng cho biết, trên địa bàn thị trấn tồn tại xưởng dăm gỗ của ông Bùi Văn Thuận, là xưởng hoạt động trái phép và có vi phạm về đất đai. Mặc dù chính quyền đã xử phạt và nhắc nhở nhiều lần nhưng xưởng vẫn hoạt động.
Năm 2023, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra và phát hiện ông Bùi Văn Thuận tự ý xây dựng nhà cấp 4 và một nhà xưởng chế biến gỗ keo trên diện tích đất rừng sản xuất. Sau khi lập biên bản, UBND thị trấn Mãn Đức ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 4 triệu đồng và buộc ông Bùi Văn Thuận phải khôi phục lại tình trạng của đất. Tuy nhiên, đến nay, ông Bùi Văn Thuận mới chỉ nộp tiền phạt còn việc khôi phục đất đang “treo” vì vẫn đang có điện hoạt động sản xuất và chưa bị cưỡng chế.
“Để các xưởng dăm gỗ trái phép dừng hoạt động chỉ còn cách cắt điện sản xuất”, Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức nói.
Sau khi nhận phản ánh trên, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết, đơn vị sẽ rà soát, kiểm tra việc cung cấp điện đối với các xưởng dăm gỗ trái phép mà Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh.
Năm 2023, trước tình trạng xưởng gỗ của Công ty TNHH Lâm Sản Vinh Vân tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình đã tiến hành xử phạt và điện lực Lương Sơn cũng ngừng cấp điện đối với xưởng gỗ này. Từ đây, xưởng gỗ trái phép được xử lý triệt để.