Trong bài viết trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã đề cập đến thông tin phản ánh của người dân về việc dọc khu vực bãi sông Hồng, nhất là khu vực tổ 36 phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) liên tục xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, các cá nhân, tổ chức lấn chiếm đất bãi bồi nhưng không thấy chính quyền sở tại xử lý dứt điểm.
Thậm chí nhiều ô đất dọc bãi bồi ven sông Hồng thuộc tổ 36 Bắc Cầu còn được một số hộ ngang nhiên triển khai xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm nhằm mục đích biến nơi đây thành đất ở lâu dài.
Nhiều ô đất dọc bãi bồi ven sông Hồng thuộc tổ 36 Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy) đã được một số hộ ngang nhiên triển khai xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm nhằm mục đích biến nơi đây thành đất ở lâu dài. |
Nói về vấn đề trên, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 141 Luật Đất đai 2013 về đất bãi bồi ven sông, ven biển đã quy định rất rõ đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa phận xã, phường, thị trấn nào thì do UBND cấp xã đó quản lý. Nếu đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở sẽ do UBND cấp huyện quản lý và bảo vệ.
“Hiểu theo nghĩa đơn giản, đất bãi bồi ven sông, ven biển chính là “đất công”. Thông qua hoạt động cho thuê đất, Nhà nước khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng”, vị luật sư nói.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, tình trạng người dân ngang nhiên triển khai xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm, tự ý san lấp mặt bằng trái phép, chăn nuôi gia cầm, tự do giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái phép bằng giấy tờ viết tay,… tại các ô đất dọc bãi bồi ven sông Hồng thuộc phường Ngọc Thụy là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về đất đai.
Như vậy, những các nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
Nhiều cá nhân, tổ chức còn tự ý san lấp mặt bằng trái phép sử dụng vào việc xây dựng lều lán, chăn nuôi gia cầm... |
Trường hợp, đối với những hành vi lấn, chiếm đất đai có thể bị xử phạt hành chính mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng (quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP).
Còn với hành vi lấn, chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (Điều 118 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).
“Cần nghiêm túc nhìn nhận về hậu quả của những hành vi lấn, chiếm đất bãi bồi ven sông Hồng ở phường Ngọc Thụy. Tình trạng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến ô nhiễm môi trường, gây khó khăn và tác động đến việc tiêu thoát lũ và nhất là đối với công tác thu hồi đất của Nhà nước sau này nếu có, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án cũng như gây mất an ninh trật tự địa phương.
Việc tự do chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép có thể gây ra những bất lợi đối với chính người nhận chuyển nhượng”, luật sư Hoàng Tùng bày tỏ lo ngại.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng còn cho rằng việc để thực trạng trên diễn ra nhiều năm, không chỉ phán ảnh ý thức pháp luật yếu kém của một số người dân mà còn cho thấy công tác quản lý đất đai tại phường Ngọc Thụy khá lỏng lẻo, chưa thực sự nghiêm minh.
Pháp luật về đất đai đã có những quy định rõ ràng về việc cưỡng chế, thu hồi đất đối với những trường hợp vi phạm quy định sử dụng đất. Do vậy, chính quyền sở tại cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm để ngăn ngừa, phòng tránh ngay từ đầu, tránh việc phải “chạy theo” vi phạm.
Trước thực trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng ngày càng gia tăng ở khu bãi bồi sông Hồng (phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy), ngày 20/6/2022 phóng viên đã đến liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND phường Ngọc Thụy. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo phường này vẫn chưa phản hồi thông tin.