Loài sói xám ở khu vực cách ly quanh Chernobyl. Ảnh: Byshnev/iStock/Getty Images |
Sự phát triển mạnh của loài sói, không phải do bất cứ loại siêu đột biến nào, mà đơn giản chỉ vì vùng nhiễm xạ bị cách ly đang trở nên giống như một khu bảo tồn động vật hoang dã – các nhà nghiên cứu cho biết. Các chi tiết đã được công bố trên Tạp chí European Journal of Wildlife Research vào hôm 15/06/2018.
Năm 1986, một vụ nổ lớn xảy ra bất ngờ đã phá huỷ hoàn toàn lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và làm phát tán lượng phóng xạ gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima – theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngay sau sự cố, vì chưa thể xác định rõ mức độ ô nhiễm của môi trường xung quanh khu vực nhà máy, nhà chức trách đã tuyên bố sơ tán người dân và thực hiện các biện pháp cách ly trong phạm vi bán kính 30 km từ tâm lò phản ứng. Hiện nay, con người vẫn bị cấm không được sống trong khu vực cách ly này, mặc dù nó đã bắt đầu được mở cửa để đón du khách.
Nhiều cuộc điều tra về tác động của phóng xạ đối với môi trường xung quanh Chernobyl đã đem đến những kết quả khá mâu thuẫn. Trong lúc một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các loài động vật hoang dã bản địa đã phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng, thì những công trình khác lại tìm thấy bằng chứng cho thấy sự sinh sôi mạnh mẽ của một số loài, mà khả năng cao là do khu vực bị cách ly (không có người ở) đã thực sự “biến thành một khu bảo tồn thiên nhiên”, Michael Byrne – tác giả chính của nghiên cứu và nhà sinh thái học hoang dã tại Đại học Missouri ở Columbia – cho biết.
Loài sói xám Chernobyl đã sinh sôi đặc biệt mạnh mẽ bên trong khu vực cách ly, “với mật độ ước tính cao gấp 7 lần so với những khu bảo tồn gần đó”, Byrne nói. Khi mật độ cao như vậy, các nhà nghiên cứu dự đoán sẽ có một vài cá thể sói phân tán vào những vùng xung quanh, “vì một khu vực chỉ có thể chứa số lượng hữu hạn các loài săn mồi lớn”.
Đến nay, đây là lần đầu tiên “chúng tôi dõi theo dấu vết của một con sói trẻ và nó chắc chắn đã rời khỏi phạm vi cách ly” - Byrne nói. Ngoài ra, các nhà khoa học còn theo dõi tổng cộng 14 con sói xám khác ở vùng cách ly trên địa phận Belarus, trong đó có 13 con trưởng thành (trên 2 tuổi) và một con đực trẻ (khoảng 1 – 2 tuổi), bằng cách đeo cho chúng vòng cổ gắn thiết bị định vị GPS. “Không một con sói nào phát sáng – tất cả đều có bốn chân, hai mắt và một đuôi,” Byrne cười.
Các nhà nghiên cứu nhận thấ trong lúc những con sói trưởng thành thường có xu hướng bám trụ tại nơi sinh sống, những con trẻ lại hay lang thang tìm cách vượt khỏi ranh giới của chúng. Con sói trẻ đeo vòng gắn GPS đã liên tục di chuyển đi xa suốt ba tháng liền sau khi các nhà khoa học bắt đầu theo dõi hoạt động của nó. Trong 21 ngày, nó đã đi được tổng cộng khoảng 300 km bên ngoài khu vực cách ly.
Do một sự cố liên quan đến chiếc vòng cổ gắn GPS, các nhà nghiên cứu đã không thể xác định được liệu con sói cuối cùng có quay trở lại khu vực cách ly hay sẽ vĩnh viễn ở lại bên ngoài. Tuy nhiên, “thật tốt khi chứng kiến một con sói đi xa đến như vậy,” Byrne nói.
Những phát hiện trên đây là “bằng chứng đầu tiên cho thấy sự phân tán của loài sói xám ra khỏi khu vực cách ly phóng xạ”, Byrne nói. “Thay vì coi đó giống như một lỗ đen sinh thái, Chernobyl thực sự có thể trở thành một khu bảo tồn nguồn động vật hoang dã và giúp ích rất nhiều cho những quần thể động vật khác, không chỉ loài sói”
Tuy nhiên, một trong những câu hỏi cũng được đặt ra là liệu những loài động vật sinh ra trong vùng nhiễm phóng xạ bị cách ly có mang theo các đột biến khi di chuyển sang nơi mới? Bởi mỗi khi nhắc đến Chernobyl thì điều đầu tiên mà người ta thường nghĩ ngay đến chính là “đột biến” - Byrne nói. Tuy nhiên, “chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy điều này đang xảy ra. Đây rất có thể sẽ là một hướng nghiên cứu thú vị trong tương lai, và thực sự cũng không cần phải lo lắng quá nhiều.”