Giảo cổ lam là dược liệu cổ quý hiếm được sử dụng với rất nhiều công dụng trong y học. Ngoài ra nó còn là loại rau đặc sản được người thành phố "săn lùng" suốt một thời gian dài.
Giảo cổ lam là loài cây mọc hoang ở những khu rừng thưa, có độ ẩm thấp và khí hậu lạnh như Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc.
Chúng có đặc điểm: cây thân thảo có thân mảnh, dễ gãy, mọc leo nhờ các tua cuốn đơn ở nách lá, có cây đực và cây cái riêng biệt; lá cây giống lá kép, có hình chân vịt khép kín, màu xanh thẫm; hoa mọc thành cụm có hình chuỳ, bông hoa nhỏ có màu trắng, các cánh hoa nở xòe rời nhau, tạo hình ngôi sao.
Bao phấn ở bông hoa dính thành đĩa, bầu hoa có 3 vòi nhuỵ; quả có hình cầu, kích thước 5 – 9mm, khi chín quả có màu đen.
Căn cứ vào đặc điểm của lá mà loại rau này được chia thành 3 loại: 3 lá, 5 lá và 7 lá. Mỗi một loại có đặc điểm khác nhau, hiệu quả và giá thành cũng khác nhau.
Tại Việt Nam, giảo cổ lam được tìm thấy nhiều ở vùng núi Fansipan thuộc Sa Pa (Lào Cai) và núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Chị Như Loan (31 tuổi, Hòa Bình) - một vị khách thường xuyên dùng loại rau này cho biết: "Giảo cổ lam chính là loại rau dành cho người nghèo ở vùng quê mình khi xưa.
Nhớ hồi đó, chúng mình hay rủ nhau vào vùng núi đá vôi hái ngọn và lá cây còn tươi về để mẹ chế biến thành món ăn ngon như xào hoặc nấu canh. Mẹ mình bảo rằng rau giảo cổ lam mọc tự nhiên nên sạch, ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Sau này, cuộc sống của mọi người khấm khá hơn, ít ai đi hái về làm rau ăn. Và vài năm trở lại đây, chúng bỗng trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng vừa chữa bệnh vừa làm rau ăn".
Theo chị Như Loan, do thị trường có nhiều khách hàng ưa chuộng giảo cổ lam, nên người dân ở Hòa Bình (quê chị Như Loan) đã tranh thủ hái loại rau này về bán. Họ thu hoạch lá và dây leo quanh năm, có thể dùng tươi hoặc dùng khô đều được. Loại giảo cổ lam được ưa chuộng nhất vẫn là loại 5 lá.
"Sau khi được thu hái, họ sẽ đem rau rửa sạch đất cát, chất bẩn, chặt thành đoạn nhỏ và đem phơi khô dưới ánh nắng lớn. Nhiều nơi còn sao vàng để dược liệu dậy mùi thơm hơn và bảo quản được lâu hơn.
Chế biến xong họ đóng cẩn thận vào túi kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nước, tránh mối mọt. Ngoài ra, nhiều nơi còn thu hoạch rau để bào chế bột thuốc hoặc dùng để làm nguyên liệu trong các loại thuốc Tây, thực phẩm chức năng", chị Như Loan cho hay.
Cũng theo chị Như Loan, một số người ở quê chị còn vào núi hái ngọn và lá non về bán trên mạng xã hội. Và chỉ sau vài phút đăng tải, họ đã bán hết vài cân rau với giá không hề rẻ.
"Hiện nay, trên thị trường, giảo cổ lam có giá từ khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/kg sấy khô; 100.000 đồng/kg rau giảo cổ lam,… Đắt đỏ là vậy nhưng người thành phố vẫn dám chi để được thưởng thức món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng này", người phụ nữ Hòa Bình nói.
Món giảo cổ lam xào tỏi
Món ăn có vị hơi nhặng nhặng đắng, cộng thêm vị ngọt đầu lưỡi khiến bạn nhớ vị này mãi. Với món ăn này, chỉ xào đơn giản như món rau xào bình thường.
Canh trứng giảo cổ lam
Cách chế biến đơn giản nhưng hương vị có vị đắng lạ. Bạn chỉ cần nấu sôi nước lên cho lá giảo cổ lam vào, sau đó đánh thêm 1 quả trứng.
Vị ngọt thanh hơi đắng của giảo cổ lam kết hợp với vị thơm, quyện béo của trứng sẽ tạo nên một món canh vị rất lạ.
"Giảo cổ lam có nhiều công dụng vô cùng như bồi bổ cơ thể, chống viêm, thanh nhiệt, ổn định mỡ máu…", chị Như Loan cho hay.
Bỏ 1,5 tỷ đồng trồng loại rau 'xưa nhổ vứt đi', 8x Đồng Tháp thu bộn tiền
Với quyết định táo bạo, anh Võ Thanh Beo (34 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng vợ tiên phong đưa rau má của Xứ thanh vào miền Tây trồng thủy canh, góp phần mang lại nhiều giá trị mới cho cây rau má đồng.