Là loại trái cây nhiệt đới rất tốt cho sức khoẻ được trồng tại Việt Nam, những năm qua, thanh long thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô khi là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang nhiều nước trên thế giới.
Theo hướng dẫn MyPlate của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thanh long có chứa nhiều thành phần gồm các vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khoẻ. Trong 100gr thanh long có thể cung cấp 264 kcal; 107 mg canxi; 82,14 g carbohydrate; 82,14 g đường; 39 mg Natri; 6,4 mg vitamin C; 3,57 g protein; 1,8 g chất xơ. Vì vậy, chúng được coi là loại trái cây hoàn hảo hay còn được gọi là "siêu trái cây" (super fruit).
Thanh long được coi là siêu trái cây ở các nước châu Âu.
Ông Như Nguyễn, đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, tại Hà Lan, thanh long được coi như siêu thực phẩm. Muốn mua thanh long tại Hà Lan không dễ vì chúng chỉ có ở các siêu thị dành cho người châu Á và được bán với giá khoảng 260.000 đồng với quả 400gr.
Tại Việt Nam, quả thanh long được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2021 đến nay, việc tiêu thụ thanh long gặp khó khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống covid-19 và có thông báo tạm ngừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam đã khiến cho hàng trăm nghìn tấn thanh long không có đầu ra, rớt giá thê thảm.
Ông Đinh Văn Tảo, trú tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, tháng trước, giá thanh long còn vào khoảng 19.500 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Với giá này không đủ tiền điện "chong đèn" cho thanh long suốt thời gian dài, tiền phân thuốc. Giá rẻ nhưng vẫn không có người mua.
Giá thanh long tại vườn hiện tại chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg.
Tại các chợ truyền thống, siêu thị hay trên các chợ online, thanh long chỉ có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt đối với thanh long xuất khẩu quay đầu được bán theo thùng với giá chỉ 80.000-90.000 đồng/thùng 16-17kg.
Theo thống kê, với riêng thanh long, sản lượng của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều. Cụ thể, Quý I khoảng 300.000 tấn, Quý II khoảng 150.000 tấn, Quý III khoảng 400.000 tấn, và Quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, Quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng.
Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước. Ước tính hiện có khoảng 300.000 tấn thanh long vào vụ chưa có hướng cụ thể về đầu ra.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, dự kiến, trong Quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ nhưng các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg.
Tại các chợ, thanh long hiện tại chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long, tỉnh Bình Thuận đã định hướng doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản đông lạnh. Đồng thời tăng cường kết nối với các đơn vị, các địa phương trong cả nước vận chuyển, hỗ trợ tiêu thụ thanh long giúp nông dân.
Ngoài ra, để mở rộng thị trường xuất khẩu ra các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, cần nâng cao chất lượng sản phẩm quả thanh long, đủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt như phải đạt chứng nhận GlobalGAP, màu đỏ của trái chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, tai không dài quá 1,5cm và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa. Ngoài tiêu thụ quả thanh long tươi thì cần đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ thanh long như sấy khô, cấp đông hoàn toàn, chế biến thành tinh bột.