Nhắc đến cây xoan, phần lớn người Việt thường biết đến chúng là giống cây trồng lấy gỗ. Quả xoan thường rụng đầy mà chẳng ai thèm nhặt vì không ăn được.
Vào mùa xuân, cây sẽ nở hoa và dần kết trái. Từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, quả xoan sẽ chín, treo thành từng chùm nổi bật trên cây với lớp vỏ hơi ngả vàng. Quả xoan nhìn rất giống quả chà là nhưng nhìn kỹ sẽ thấy màu sắc khác nhau.
Trong khi quả chà là là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng thì quả xoan lại không thể dùng làm thực phẩm vì có độc. Song trên thực tế, loại quả này lại không hề vô dụng mà có rất nhiều giá trị hữu ích.
Ngoài ra, toàn thân cây xoan cũng có nhiều giá trị. Hoa, lá, quả và vỏ rễ của cây xoan đều có thể dùng làm thuốc. Vỏ rễ có thể dùng để khử giun đũa và giun móc. Ngoài ra, dầu hạt xoan có thể dùng để làm xà phòng.
Trong cuốn “Hồ Nam dược vật chí” của Trung Quốc, cây xoan còn có thể trị sâu răng, nước sắc từ vỏ cây xoan có thể dùng để súc miệng. Ngoài ra, vỏ cây xoan cũng có thể điều trị vết thương do rắn cắn.
Đặc biệt, trong sách Phật giáo, hạt xoan còn có tên gọi là “kim cang tử”, vô cùng quý giá. Hạt xoan mang ý nghĩa vô cùng cứng rắn, không thể bị phá hủy, đồng thời có sức mạnh để tiêu diệt tà khí. Theo đó, khi đeo trên người, kim cang tử có khả năng xua đuổi tà ma mạnh mẽ, giúp người đeo tránh tai họa, tăng thêm vận may.
Chính ý nghĩa đặc biệt của hạt xoan trong Phật giáo đã biến quả xoan “vô dụng” thành báu vật. Phần vỏ và thịt quả sẽ được gột bỏ, lõi (hạt) giữ lại rửa sạch và phơi khô, sau đó người ta sẽ khoét một lỗ ở giữa hạt và dùng dây luồn qua. Nhiều hạt xoan ghép lại với nhau như vậy sẽ tạo thành một chiếc vòng tay “kim cang tử”.
Một chuỗi vòng làm từ hạt xoan ở Trung Quốc hiện được bán với giá khoảng 40 NDT, tương đương 137.000đ.