Dưa hấu ruột vàng có giá cao hơn so với dưa hấu đỏ thông thường |
Cách chọn hoa quả ngon không thối hỏng, ngon cực phẩm
Với bí quyết chọn hoa quả dưới đây bạn có thể dễ dàng chọn được những loại quả ngon đúng ý muốn.
“Đội lốt” hoa quả ngoại: Siêu lợi nhuận và nguy cơ thất thu thuế
Với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, các cửa hàng, hệ thống kinh doanh hoa quả nhập khẩu đã thu lãi bạc tỷ.
Trong khi đó, nhà nước có nguy cơ bị thất thu thuế, người tiêu dùng thì mua phải hàng hóa kém chất lượng, bị "móc túi" không thương tiếc.
Nhập nhèm nguồn gốc, nguy cơ thất thu thuế
Những ngày qua, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng hàng trăm cửa hàng hoa quả ở Hà Nội quảng cáo hàng nhập khẩu 100%, cam kết nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng, rất nhiều loại hoa quả được bày bán trong các chuỗi cửa hàng "có tiếng" ở Hà Nội vẫn nhập nhèm về nguồn gốc, giá cả.
Ngoài "đặc sản" giá "chát", một số mặt hàng hoa quả nhập khẩu bày bán tại các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch, hoa quả ngoại nằm trong diện nghi vấn về pháp lý. Bởi có nhiều sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ cửa hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Điển hình là mặt hàng dâu tây Nhật Bản được bán tại cửa hàng Fresh Fruits (địa chỉ 296 Cầu Giấy, thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Hồng Điệp), nhân viên cửa hàng đã không thể đưa ra các giấy tờ chứng nhận xuất xứ sản phẩm cho khách hàng. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm dâu tây Nhật Bản chưa được cơ quan này cho phép nhập về Việt Nam.
Cũng tại nhiều cửa hàng khác thuộc hệ thống Fresh Fruits, các loại quả như dưa sữa, dưa lưới, nho sữa... được nhân viên cam kết là hàng Nhật Bản "xịn". Nhưng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) lại khẳng định với Lao Động là các mặt hàng này chưa được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Tương tự, tại các chuỗi cửa hàng của các thương hiệu lớn như Fuji, DP Fruits, MT Fruits... theo ghi nhận của phóng viên, cũng đang bày bán rất nhiều loại quả như lựu, chà là, dưa, mận... được quảng cáo là hàng Nhật Bản, hàng Mỹ, Nam Phi, nhưng thực chất trong danh mục các loại hoa quả được phép nhập khẩu vào Việt Nam lại không có tên những sản phẩm này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, hiện nay, Việt Nam nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc các loại quả như anh đào, bưởi, cam, chanh, đào, dâu tây, dưa (dưa hấu, dưa lê, dưa vàng), hồng, kiwi, lê, lựu, mận, nhãn, nho, quất, quýt, táo, táo ta, vải, xoài.
Nhập khẩu tại thị trường Hoa Kỳ các loại quả anh đào, lê, nho, táo, việt quất, cam; nhập ở Úc là quýt, nho, anh đào; New Zealand nhập các loại anh đào, chanh leo, hồng, kiwi, mơ, táo, việt quất; Hàn Quốc là nho, táo, dâu tây; Nhật Bản nhập về táo, lê, cam và Nam Phi có nhập khẩu táo, lê, nho.
Các loại quả như dâu tây, dưa Nhật; lựu Peru, Ai Cập, Úc, Ấn Độ; mận Mỹ… đều chưa được Bộ NNPTNT cho phép nhập khẩu vào Việt Nam. Điều đó có nghĩa, những loại quả nêu trên đang được bày bán trên thị trường, một là hàng xách tay, có dấu hiệu trốn thuế; hai là hàng giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.
Theo quy định của Nghị định 98 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10.2020, hành vi kinh doanh, bán hàng xách tay sẽ bị coi là bán hàng nhập lậu và sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nếu hàng hóa đó không có hóa đơn chứng từ.
Cần câu trả lời của các cơ quan quản lý
Thông tin của Lao Động, trong những năm qua, số lượng đầu mối nhập khẩu trái cây của Việt Nam tăng đột biến ở mức 2 - 3 con số.
Bằng chứng là trên khắp các con phố, các cửa hàng, hệ thống kinh doanh hoa quả nhập khẩu "mọc lên như nấm". Hoa quả gắn mác nhập khẩu còn tràn ra các chợ dân sinh và điểm chung là đều được bán mức giá đắt đỏ từ vài trăm, hay lên đến cả triệu đồng/kg.
Trong khi đó, một sự thật chua chát là các loại hoa quả của Việt Nam bị "đánh bật" ra vỉa hè và phải bán với "giá giải cứu". Thậm chí, được "đội lốt", "hô biến" thành hàng ngoại bằng cách gắn thêm tem mác như chúng tôi đã phản ánh trong các bài viết trước.
Theo một vị Giám đốc công ty nhập khẩu trái cây, nhiều loại hoa quả ngoại có giá không cao, nhưng nhập về Việt Nam lại thành hàng cao cấp do chi phí vận chuyển, thuế, bảo quản hao hụt... Để cạnh tranh, nhiều nhà nhập khẩu đã cố tình lập lờ nguồn gốc hàng hóa, trà trộn hàng giá thấp với giá cao để đạp giá xuống, giành thị phần.
"Với cách thức này, người tiêu dùng rất khó nhận biết chất lượng hàng tốt hay hàng xấu, trong khi nhà bán lẻ có thể nhận ra nhưng cũng khó chứng minh được việc pha trộn này để trả hàng cho đầu mối, nên cũng đành nhắm mắt làm ngơ, chỉ người tiêu dùng chịu thiệt", vị này cho hay.
Hiện nay, Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về giá; Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về giá quy định tại các Điều 5, 8, 10, 12, 13, 14 và Điều 16 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Để xảy ra việc giá cả hoa quả nhập khẩu chênh lệch, nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu "đội lốt" hoa quả nhập khẩu... có trách nhiệm của các cơ quan liên quan như Cục Quản lý giá, Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan... Nếu có dấu hiệu gian lận về giá, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng… của các loại hoa quả nhập khẩu, những cơ quan này cần phải vào cuộc để xử lý theo các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, 7 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,92 tỉ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Chiều ngược lại, tính đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam chi tới 1,1 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng 27,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia là ba thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, lần lượt chiếm tỉ trọng 35,6%, 16,4% và 9,3%.