Loại củ này có nguồn gốc từ cây nấm. Tại Trung Quốc, chúng được người dân gọi là kê tung đản, còn tại Việt Nam chúng có tên là sâm ô linh. Sâm ô linh được tìm thấy tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Lâm Đồng... thuộc vùng Tây Nguyên, dù vậy không dễ gì săn lùng được chúng.
Loại sâm này thường mọc trong các tổ mối hoặc tổ kiến trắng, sâu dưới lòng đất chừng 1m - 2m, tuy nhiên thực tế không phải cứ bới móc tổ mối hoặc tổ kiến trắng nào cũng tìm thấy. Bởi các tổ có nhiều khoang chứa và có lẽ vì thế đây là nơi sống lý tưởng cho các loại sâm này.
Bề ngoài của sâm ô linh có màu thâm đen và tròn trịa, bề mặt khá lạ là vừa cứng, vừa mềm, rễ dài mọc từ trên thân, nhìn rất giống cái đuôi chuột. Bên trong lại có thịt màu trắng và kích cỡ từ 1cm - 7cm.
Loại này có thể ngâm với rượu hoặc sắc với trà để uống. Sâm ô linh sau khi sắc cùng với trà thì nên dùng hết trong ngày, đừng để qua đêm sẽ khiến nước bị thiu hỏng. Còn với phần sâm chưa dùng tới, nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để tránh bị hỏng. Sâm ô linh có nhiều tác dụng trong đó phải kể đến: bổ thận, cầm máu, tăng cường trí nhớ, chữa mất ngủ mãn tính, trị chứng huyết áp cao, trị bỏng, điều trị động kinh,...
Sâm ô linh cực hiếm nên giá của chúng không hề rẻ. Tại Trung Quốc, sâm này được bán mỗi kg với giá từ hàng trăm Nhân dân tệ đến 2.000 Nhân dân tệ, tương đương gần 7 triệu đồng/kg. Còn tại Việt Nam, giá đắt hơn, dao động khoảng 12 - 20 triệu đồng/kg.
Tuy sâm này bổ nhưng không phải ai cũng dùng được, nhất là những người đang có bệnh. Trước khi dùng nên hỏi ý kiến của bác sĩ và dùng ít một để quan sát phản ứng của cơ thể.