Những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn đều không xa lạ gì với cá diếc - loài cá tạp, được bán rất rẻ mỗi khi người dân tát ao hay đánh lưới mùa lũ, lụt. Khoảng 20 năm trở về trước, loài cá dân dã này có rất nhiều ở các đầm, ao, hồ, sông, đồng ruộng vùng nông thôn miền Bắc.
Đặc biệt, lứa tuổi 7x, 8x dù ở nông thôn hay thành thị đều quá quen thuộc với những món ăn dân dã chế biến từ loài cá này trong những tháng ngày khó khăn, lương thực, thực phẩm còn thiếu thốn.
Tuy nhiên, hiện nay cá diếc đã trở thành đặc sản với giá bán khá cao, có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng với những cách chế biến đa dạng. Không chỉ là một món ăn ngon loại cá này còn rất giàu dinh dưỡng và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu, thịt cá diếc chứa nhiều dinh dưỡng: protein chiếm 17,7%, lipit 1,8%, và nhiều khoáng chất như canxi 70mg%, phốt pho 152mg%, sắt 0,8mg%, nhiều vitamin các loại như: B1, axit nicotinic... Chính vì vậy, cá diếc được dùng cho những người bệnh lâu ngày, cơ thể suy nhược, gầy còm ốm yếu, khí huyết bất túc khiến ăn uống kém, ợ chua, hoặc tỳ hư phù nề, tiểu tiện khó...
Trong thành phần thịt cá diếc còn có chất béo và axit béo không bão hòa đa, chủ yếu là omega-3, axit eicosapentaenoic (EPA)… có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, ung thư...
Đặc biệt, cháo cá diếc rất thích hợp cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu bị ốm nghén với các triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, da xanh, lợm giọng, buồn nôn, ứa nước dãi hoặc nôn oẹ thực sự, thậm chí ăn uống thứ gì là nôn vọt ra thứ ấy, có khi đã nôn hết thức ăn rồi mà vẫn tiếp tục nôn ra nước dãi, dịch mật hoặc nôn khan.
Một số bài thuốc chữa bệnh có dùng cá diếc:
Cháo cá diếc, táo đỏ: Cá diếc 250g, táo đỏ 50g, gạo lứt 100g, hành, gừng, rượu vang, muối tinh vừa đủ.
Cách làm: Cá diếc đánh vảy, bỏ mang và nội tạng, rửa sạch cắt miếng, cho vào nồi, cùng với nước, rượu vang, hành, gừng, muối nấu chín nhừ, dùng sàng lọc bỏ bã, lấy nước, cho gạo đãi sạch, táo đỏ thêm nước vừa đủ, đun nhỏ lửa từ từ đến khi hạt gạo nở ra, nêm muối vừa ăn. Dùng cho các chứng bụng lạnh đau do tràng vị bất hòa, chống nôn mửa, chân tay phù thũng.... Ngày 1 bát, chia ăn vài lần. Dùng trong 3 - 5 ngày.
Cháo cá diếc, bạch truật: Cá diếc 50g, bạch truật 10g, gạo tẻ 30g. Cách làm: Cá diếc đánh vảy, bỏ nội tạng; sắc kỹ bạch truật bỏ bã lấy nước, cho gạo và cá vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho thai phụ tỳ vị hư yếu, mệt mỏi, nôn mửa, đại tiện lỏng nát.
Canh cá diếc củ cải: Cá diếc 200g, củ cải 200 - 400g. Cách làm: Cá diếc mổ bỏ ruột, rửa sạch; củ cải rửa sạch, cắt khúc; cho cá và củ cải vào nồi, thêm nước và gia vị, hầm nhừ (có thể cho thêm khế cùng hầm). Khi ăn thêm dấm hoặc vắt chanh. Ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy bụng, lạnh bụng không tiêu, ăn kém, suy nhược cơ thể. 5 ngày là một liệu trình.
Canh cá diếc, sa nhân, gừng tươi: Cá diếc 2 con, lá tía tô 15g, sa nhân 6g, gừng tươi 6 lát. Cách làm: Lá tía tô, sa nhân và gừng tươi rửa sạch. Cá diếc đánh vảy, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, cho đủ nước, dùng lửa nhỏ hầm thật kỹ khoảng 2 - 3 giờ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Kiện tỳ hành khí, hòa vị chỉ ẩu. Dùng thích hợp cho thai phụ tỳ hư khí trệ mà nôn và buồn nôn nhiều, ăn kém, chậm tiêu, ngực bụng đầy trướng, mệt mỏi, đại tiện lỏng nát, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt...
Cá diếc nấu bí đao
Cá diếc 250g, bí đao 100g, sinh địa hoàng 10g, gừng, hành, gia vị đủ dùng. Cá diếc làm sạch, ướp gia vị chừng 30 phút. Bí đao rửa sạch, để nguyên vỏ, cắt khúc. Cho bí đao vào chõ, sau đó đặt cá lên trên, thái gừng và hành đem hấp tới khi cá chín. Nước hấp cá cho sinh địa hoàng vào đun sôi, bắc ra. Cá diếc nấu bí đao được sử dụng như một bài thuốc trị yếu sinh lý cho phái mạnh.
Lưu ý, cá diếc có giá trị dinh dưỡng cao, do đó một số nhóm người không nên ăn nhiều. Trong đó bệnh nhân gút, dị ứng với cá, người mắc bệnh gan và thận đều cần kiêng kị. Nói chung, người mắc các chứng bệnh có urê huyết cao, hôn mê gan không nên ăn cá diếc.