Chính vì khó đo đếm được tài sản một cách chính xác, rất nhiều đại gia Việt đã được Fobes đưa vào danh sách theo dõi biến động tài sản để có thể định giá và vinh danh tỷ phú khi hợp lý các số liệu.
Thêm 1 tỷ phú USD Việt?
Cuốn sách có tên Competing with Giants (tạm dịch: Cạnh tranh với người khổng lồ) vừa được Fobesbook xuất bản tiết lộ một tỷ phú Việt tầm cỡ thế giới chưa từng lọt vào một danh sách giàu có trong cũng như ngoài nước nào. Theo đó, ông Trần Quý Thanh từng từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD mà Coca Cola đã đề nghị mua cổ phần chi phối từ 7 năm trước.
Trần Uyên Phương - tác giả cuốn sách và bố, ông Trần Quý Thanh. |
Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.
Với sự xuất hiện trong ForbesBooks, ông Trần Quý Thanh được xem là gương mặt người Việt nữa sẽ nhanh chóng lọt danh sách tỷ phú USD.
Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet là 2 tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng.Hồi tháng 3/2018, trong danh sách giàu nhất hành tinh của Forbes, Việt Nam ghi nhận có thêm 2 tỷ phú USD là: ông Trần Đình Long có khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trên thế giới và ông Trần Bá Dương ước tính khoảng 1,8 tỷ USD, đứng thứ 1.339.
Trong vài năm gần đây, ông Phạm Nhật Vượng nổi lên là một doanh nhân giàu có và có tốc độ phát triển nhanh nhất trong giới kinh doanh Việt. Từ một vài dự án bất động sản, giờ đây ông Vượng sở hữu cả trăm đại dự án trên khắp cả nước, từ bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng cho tới bình dân và đang chuyển mũi nhọn sang lĩnh vực công nghệ và công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong khi đó là một nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam cũng như Đông Nam Á, đi lên từ hãng hàng không VietJet, sau khi công ty này IPO và chào sàn hồi đầu 2017.
Nhiều tỷ phú USD Việt chưa lộ diện?
Bên cạnh ông Vượng và bà Thảo, nếu tính đại gia có nguồn gốc Việt Nam thì ông Hoàng Kiều, người Mỹ gốc Việt là tỷ phú USD người Việt đầu tiên được ghi danh trên thế giới.
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) không nằm trong danh sách Forbes 2018 nhưng doanh nhân được coi là tỷ phú USD thứ 3 Việt Nam. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản 1,2 tỷ USD tính vào thời điểm cuối tháng 1/2018.
Trên thực tế, trong cộng đồng doanh nghiệp Việt còn rất nhiều doanh nhân có khối tài sản khổng lồ có thể lọt danh sách tỷ phú USD nhưng do nhiều lý do chưa được xếp hạng.
Trong năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch FLC và ông Bùi Thành Nhơn Novaland cũng được tính toán là tỷ phú thứ 3-4 trên TTCK Việt Nam nhưng chưa được các tổ chức nước ngoài xếp hạng.
Ông Trịnh Văn Quyết hiện nắm giữ 145 triệu cổ phiếu FLC, gần 320 triệu cổ phiếu ROS và hơn 2,6 triệu cổ phiếu ART. Có thời điểm, tổng túi tiền của ông Trịnh Văn Quyết lên tới 40-50 ngàn tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD).
Ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch tập đoàn bất động sản Novaland trong khi đó cùng gia đình sở hữu số cổ phiếu NVL trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Riêng ông Nhơn đang nắm giữ số cổ phiếu NVL trị giá 500 triệu USD.
Trước đó, ông Đào Hồng Tuyển đã có lần lỡ lời tiết lộ mình có tài sản khoảng 1 -2 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều cái tên như Nguyễn Thị Nga (tập đoàn BRG), Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Tập đoàn T&T), Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Xuân Trường, Vũ Văn Tiền (Geleximco),... có thể sẽ góp phần kéo dài danh sách giới siêu giàu Việt.
Bà Nguyễn Thị Nga (tập đoàn BRG) là cái tên đình đám trong cộng đồng DN Việt. Doanh nghiệp của bà Nga là chủ rất nhiều sân golf trên phạm vi cả nước, sở hữu thương hiệu Hilton, nhiều bất động sản cao cấp và gần đây thâu tóm rất nhiều đất vàng từ các DN nổi tiếng như Intimex, khách sạn Thắng Lợi, khách sạn Sông Nhuệ,... DN của bà Nga sắp thâu tóm 100 mảnh đất vàng từ tay Tổng công ty Hapro và vừa lộ kế hoạch xây dựng thành phố nhiều tỷ USD ở phía Bắc Hà Nội.
Thời gian tới, Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều tỷ phú USD hơn nữa do nhiều DN lớn sẽ lên sàn hoặc đăng ký giao dịch và TTCK bùng nổ lên các đỉnh cao mới.
Một số doanh nhân mới nổi gần đây cũng bứt phá khá nhanh như: ông Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hàng chục triệu cổ phần VCS, trị giá khoảng 600 triệu USD.
Gần đây, tập đoàn của ông Trần Quý Thanh mở rộng sang mảng BĐS, một dấu hiệu cho thấy đại gia này sắp lộ diện và tính đường bùng nổ. Tân Hiệp Phát lập công ty mua bán nợ vốn 100 tỷ đồng, có thể là nhằm săn quỹ đất trong giai đoạn đầu làm BĐS.
H. Tú