Báo Paper hôm 4/6 dẫn thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Thiên Tân cho biết, trong thời gian từ 2003 đến 2013, những người này đã gây thiệt hại 1,69 tỷ NDT (5,9 nghìn tỷ VND) trong việc tạo điều kiện cho Triệu Tấn xây dựng 4 hạng mục công trình Trung tâm Thành Cơ, tòa nhà Quân Lâm, vịnh nước nông Trác Việt và tòa nhà Hằng Thịnh.
Núp bóng cha lập ra “đế quốc nhà đất”
“Vua địa ốc” Triệu Tấn. |
Triệu Tấn, sinh năm 1973, là con trai của Triệu Thiếu Lân, nguyên Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Giang Tô, Phó chủ tịch thứ nhất Quỹ Người cao tuổi Trung Quốc. Tháng 6/1994, mặc dù không phải cán bộ đoàn hay dính dáng gì đến tổ chức đoàn, nhưng vì là con trai Triệu Thiếu Lân nên Triệu Tấn được Văn phòng Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc bổ nhiệm làm đại diện pháp nhân và Tổng giám đốc Công ty khai thác phát triển nhà đất Thế Xương, Nam Kinh. Đây là công ty quốc doanh, thực hiện hạch toán độc lập, tự chịu lỗ lãi với vốn đăng ký 10 triệu NDT, chuyên khai thác, môi giới nhà đất, kinh doanh vật liệu xây dựng…
Theo thống kê, từ 1994 đến 2014, Tấn đã thành lập gần 100 công ty ở Nam Kinh, Tế Nam, Thiên Tân, trong đó Thiên Tân là địa bàn quan trọng. Các công trình của Tấn có ở nhiều khu vực, nhưng có một đặc điểm chung là địa thế đẹp, giá rẻ, bề ngoài hào nhoáng nhưng mật độ dày, nội thất chất lượng kém, sửa đổi quy hoạch, “ăn cắp diện tích”.
Dựa vào mối quan hệ đặc biệt của Triệu Thiếu Lân với các quan chức cao cấp như Lệnh Kế Hoạch (Bí thư, Chánh văn phòng trung ương khóa 12), Chu Bản Thuận (Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc), Tấn đã kết bạn với con trai họ là Lệnh Cốc, Chu Tĩnh và lập ra các hội sở bí ẩn để làm nơi gặp gỡ, ăn chơi trác táng cho thành viên “Giang Tô bang”, “Tây Sơn hội”, “bang Thư ký”…
Theo The Paper, Triệu Tấn hùng cứ lĩnh vực nhà đất suốt hơn 20 năm, dùng các thủ đoạn “bất bình thường” để bài bố, hình thành nên “đế quốc nhà đất”. Cho đến khi bị bắt năm 2014, hai công trình lớn ở Thiên Tân của Tấn là Quảng trường Danh Môn và Thủy Ngạn Ngân Tọa vẫn chưa hoàn thành. Mô hình “xây dựng cơ bản đô thị Thiên Tân” nổi tiếng khắp toàn quốc, không những gây thiệt hại lớn cho nhà nước, mà còn khiến dân chúng phẫn nộ, nhiều lần họ tụ tập biểu tình phản kháng, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của Thiên Tân.
Về tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng trong hệ thống ngành quy hoạch và tài nguyên đất đai, thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Thiên Tân viết: “Vụ án khiến người ta kinh sợ bởi số cán bộ đảng viên vi phạm nhiều, số tiền và cả hậu quả nghiêm trọng nó gây ra”.
Các hội sở bí mật ở Bắc Kinh – nơi giăng bẫy
Triệu Tấn là một nhân vật trung tâm trong nhóm lợi ích chính trị - thương gia bởi y là con nuôi Chu Bản Thuận – thành viên “bang Thư ký” của Chu Vĩnh Khang, bạn thân của Lệnh Cốc – con trai của người cầm đầu “Tây Sơn hội” Lệnh Kế Hoạch.
Phía sau “đế quốc nhà đất” của Triệu Tấn là cả một tập đoàn lớn, bao gồm Triệu Thiếu Lân, “bố nuôi” Hà Gia Thành (Phó giám đốc thường trực Học viện Hành chính quốc gia), Vương Mẫn (Bí thư thành ủy Tế Nam). Dương Vệ Trạch (Bí thư thành ủy Nam Kinh), Chu Bản Thuận (Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc), Lệnh Kế Hoạch (Chánh văn phòng trung ương). Tờ Tuần san Tin tức Trung Quốc chỉ rõ, Triệu Tấn là nhân vật trung tâm có những thủ đoạn “kéo người xuống hố” rất bẩn thỉu, trong đó nổi nhất là sử dụng gái đẹp.
Chu Bản Thuận. |
Triệu Tấn cho lập các hội sở ở Bắc Kinh, tập hợp một nhóm gái người nước ngoài để “chiêu đãi” các quan chức cao cấp, phục vụ tình dục cho họ; một mặt “để tăng cường tình cảm sâu đậm”, đồng thời cũng bí mật ghi hình để uy hiếp khống chế, tiến tới thao túng họ trong tay. Vương Mẫn, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư Tế Nam chính là người bị Tấn ghi hình tại hội sở ở Bắc Kinh, khi cơ quan chức năng khám xét nơi này đã tìm thấy thẻ ghi hình và sử dụng làm manh mối để họ điều tra hạ gục Mẫn.
Lục Khê Đường ở Công viên Ngọc Uyên Đàm, đối diện với Nhà khách Điếu Ngư Đài chính là một trong số những hội sở của Tấn ở Bắc Kinh. Tất cả những nơi này đều không mở cửa với bên ngoài, chỉ được Tấn sử dụng làm nơi đón tiếp khách nội bộ. Có tin cho biết, địa điểm bí mật Lệnh Kế Hoạch và Chu Vĩnh Khang gặp gỡ, kết giao chính là hội sở bí mật này. Khi Tấn bị bắt, người ta mới biết đến các hội sở bí mật của y ở Bắc Kinh.
Nội tình kết giao quan tham đời thứ hai
Tên của Triệu Tấn được đặt theo tên gọi tắt của Sơn Tây (Tấn). Triệu Thiếu Lân quê ở huyện Bình Nguyên, Sơn Tây nên là đồng hương của Lệnh Kế Hoạch và cũng là thành viên của “Tây Sơn hội”. Lệnh Kế Hoạch tường khen “tên của Triệu Tấn đặt rất hay”. Lệnh Cốc và Triệu Tấn cũng thân nhau vì thế.
Lần đầu tiên Lệnh Cốc được Triệu Tấn sắp đặt đến hội sở của Tấn, để lấy lòng nên đích thân Triệu Thiếu Lân đã tháp tùng. Chu Bản Thuận cũng được con trai Chu Tĩnh đưa tới đây. Thông báo của cơ quan chức năng nói, Chu Bản Thuận nhiều lần lui tới hội sở tư nhân chính là nói đến chuyện này. Có tin nói việc Lệnh Cốc bị tai nạn trên chiếc xe Ferrari, Triệu Tấn cũng có liên quan. Lệnh Cốc uống rượu say tại hội sở của Tấn, sau đó phóng xe đi đón gái rồi đâm xe và thiệt mạng.
Triệu Tấn và Chu Tĩnh cũng là bạn thâm giao lâu năm. Trong thời gian Chu Bản Thuận giữ chức Cục trưởng Công an Hồ Nam và ở Ủy ban Chính pháp trung ương, Chu Tĩnh đã quen biết Tấn và bày vẽ cho Tấn đầu tư làm ăn bằng cách nhận xây dựng các trụ sở cơ quan chính quyền, xây bán nhà đất, đầu tư lớn vào ngân hàng… Tĩnh từng ngạo mạn rằng, ở Hồ Nam không có Tĩnh thì chẳng ai làm được việc gì.
Sau khi Triệu Tấn bị bắt, Chu Tĩnh bôn ba khắp nơi để chạy án. Trong mắt Đoàn Nhạn Thu – vợ Chu Bản Thuận thì Tấn cũng là con trai. Bà ta nói: “Tôi sinh một bé trai, nhưng có hai người con”.
Sau khi Triệu Tấn bị bắt, hàng loạt quan chức cấp cao đã ngã ngựa; ngoài cha đẻ Triệu Thiếu Lân, còn có Hà Gia Thanh, Phó viện trưởng thường trực Viện Hành chính quốc gia; Vương Mẫn, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư Tế Nam; Dương Vệ Trạch, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư thành ủy Nam Kinh; Vũ Trường Thuận, Cục trưởng Công an, Phó chủ tịch Chính Hiệp Thiên Tân; Mã Bạch Ngọc, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư đô thị Thiên Tân; Thẩm Đông Hải, Bí thư Ủy ban Quy hoạch đô thị và thiết kế giao thông Thiên Tân; Đỗ Na Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quy hoạch xây dựng Hà Bắc.. Bốn năm sau, vẫn có thêm 28 quan chức Thiên Tân ngã ngựa bởi Triệu Tấn.