Lộ diện nghi phạm ám sát hụt Tổng thống Venezuela?
Venezuela khoanh vùng thủ phạm vụ ám sát Tổng thống Maduro từ phe chống đối trong nước, Colombia và cả… Mỹ. Đến nay, đã có 6 người bị bắt liên quan vụ ám sát hụt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hai ngày trước đó.
Ám sát và khủng bố
Một trong sáu nghi can từng liên quan đến vụ tấn công một căn cứ quân sự Venezuela làm hai người chết năm 2017. Một nghi can khác từng bị bắt trong đợt biểu tình chống ông Maduro năm 2014.
|
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro được lực lượng an ninh che chắn ngay trên sân khấu lúc vụ ám sát diễn ra. Ảnh: REUTERS |
Reuters dẫn lời hai nhân chứng cho biết sau tiếng nổ lực lượng an ninh đã tiếp cận một chiếc ô tô Chevrolet màu đen và bắt ba người đàn ông bên trong. Khám xe, lực lượng an ninh phát hiện một số thiết bị giống dụng cụ điều khiển, máy tính, máy tính bảng.
Vụ ám sát xảy ra vào chiều 4-8 (giờ địa phương). Theo Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol, hai chiếc máy bay không người lái chở theo thuốc nổ được điều khiển bay ở khu vực ông Maduro đang phát biểu trong lễ diễu binh ở thủ đô Caracas. Một chiếc bị lực lượng an ninh bắn làm đổi hướng, chiếc thứ hai đâm xuống một tòa nhà và phát nổ làm bảy binh sĩ bị thương.
Vụ ám sát gây ra cảnh hỗn loạn không chỉ trên hàng ngũ quan chức mà cả lực lượng binh sĩ đang diễu binh. Theo ông Reverol, “hành động khủng bố này đã tát thẳng vào mong muốn hòa giải và đối thoại quốc gia của Tổng thống Maduro”.
Thủ phạm từ trong nước?
Một tổ chức có tên Flannel Soldiers ngày 5-8 đã nhận trách nhiệm và cho biết đã sử dụng hai máy bay điều khiển từ xa chở theo thuốc nổ C4 ám sát ông Maduro. Flannel Soldiers được thành lập năm 2004, có nhiệm vụ thống nhất các nhóm, phong trào phản đối các chính sách của ông Maduro. Trong tuyên bố nhận trách nhiệm, Flannel Soldiers nói “không chấp nhận việc người dân bị đói, người bệnh không có thuốc, tiền mất giá và giáo dục vô giá trị”, khuyến khích người dân “đấu tranh, xuống đường”.
Trong tuyên bố của mình, chính phủ Venezuela không nói trực tiếp đến tên Flannel Soldiers nhưng nhận định thủ phạm là các tổ chức cực hữu trong nước. Nhiều đồng minh chính trị của ông Maduro chỉ trích thành phần chống đối có lịch sử liên quan đến các âm mưu đảo chính quân sự, dễ thấy nhất là vụ đảo chính năm 2002 từng khiến ông Hugo Chavez phải rời khỏi vị trí tổng thống thời gian ngắn.
Từ năm ngoái, nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn gia tăng, đặc biệt sau khi ông Maduro tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 5-2018. Họ kêu gọi can thiệp quân sự để lật đổ ông Maduro. Hàng chục binh sĩ đã bị bắt giữ vì cáo buộc âm mưu chống lại ông Maduro.
Theo Reuters, vụ ám sát hụt cho thấy áp lực của các vấn đề xã hội như khan hiếm thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men, lạm phát… ngày càng đổ lên ông Maduro. Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán lạm phát của Venezuela sẽ đạt tới mức 1.000.000% trong năm nay. Kinh tế Venezuela sẽ co lại 18% trong năm nay, thêm vào 50% đã co lại trong vòng năm năm qua.
|
Người dân Venezuela tại biên giới với Colombia ngày 17-6. Ảnh: AP |
|
Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol họp báo ngày 5-8, sau vụ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị ám sát hụt. Ảnh: REUTERS |
Tại sao tổng thống Colombia bị hài tên?
Trong khi đó, ông Maduro ngày 5-8 cáo buộc Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos là thủ phạm. Bộ Ngoại giao Colombia thẳng thừng phản đối.
Căng thẳng giữa Venezuela và Colombia tăng cao trong năm năm Venezuela chịu khủng hoảng dưới thời ông Maduro. Trả lời phỏng vấn AFP đầu tháng này, ông Santos còn nói với tình trạng kinh tế lạm phát dữ dội như hiện tại thì thể chế Venezuela sẽ sụp đổ trong tương lai gần, đồng nghĩa những ngày cầm quyền của ông Maduro không còn nhiều. Thậm chí ông Santos còn bày tỏ hy vọng vào “sự thay đổi thể chế” ở Venezuela trước thời điểm nước này bầu cử tổng thống hồi tháng 5 qua.
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc ước tính có tới 2 triệu người Venezuela rời bỏ đất nước và con số này sẽ tăng lên 3 triệu vào cuối năm nay. Ông Santos lên án ông Maduro để xảy ra thảm cảnh, gây gánh nặng lên các nước láng giềng, trong đó có Colombia. Đã có hơn 1 triệu dân Venezuela bỏ sang Colombia trong 18 tháng qua. Ông Santos đầu tháng này đã phải tạm thời chấp nhận 440.000 đơn xin tị nạn từ Venezuela, đồng thời kêu gọi các nước láng giềng cùng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này. Ông Santos kêu gọi ông Maduro cho phép cứu trợ nhân đạo quốc tế tiếp cận người dân Venezuela, để người dân nước này thôi tìm đường chạy sang các nước khác.
Phần mình, ông Maduro vẫn cho rằng Venezuela không có khủng hoảng, không hào hứng với chuyện quốc tế giúp đỡ. Ông nói như thế chỉ tạo cơ hội cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ vào phá hoại Venezuela, “Colombia là tay sai của Mỹ”.
Ông Santos sẽ rời ghế tổng thống vào tuần tới, chuyển giao vị trí lại cho tổng thống đắc cử cánh hữu Ivan Duque. Tuy nhiên, theo Reuters, căng thẳng giữa hai nước khả năng sẽ không giảm nhiều dù ông Santos có rời vị trí tổng thống.
Mỹ cũng bị khoanh vùng
Cùng với tổng thống Colombia, người dân bang Florida của Mỹ, nơi có lượng lớn dân gốc Venezuela sinh sống, cũng bị ông Maduro khoanh vùng là thủ phạm ám sát mình.
Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela từ lâu đã căng thẳng, bất đồng càng gia tăng khi thời gian qua Mỹ vẫn mạnh miệng chỉ trích ông Maduro vì tình trạng kinh tế yếu kém của Venezuela. Mỹ liên tục vận động ngoại giao gây sức ép lên chính phủ ông Maduro. Đầu tháng 5, Mỹ áp thêm nhiều lệnh trừng phạt mới lên Venezuela.
Tại Mỹ, ông Maduro đang là đối tượng điều tra liên quan đến vụ rút ruột 1 tỉ đô từ công ty năng lượng quốc gia Venezuela PDVSA, theo Miami Herald. Ông Maduro tới thời điểm này vẫn chưa bị bêu tên hay bị khởi tố vì vụ này. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết ông Maduro và nhiều quan chức chính phủ khác của Venezuela đang bị khoanh vùng điều tra chuyện tiền từ Công ty PDVSA bị rút chuyển sang các ngân hàng châu Âu và Mỹ, cũng như mua các bất động sản ở Nam Florida.
Trước mắt, trả lời phỏng vấn Fox News ngày 5-8, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói Mỹ không liên quan đến vụ ám sát hụt ông Maduro.
Lo ngại về máy bay không người lái
Chuyện sử dụng máy bay không người lái được điều khiển chở theo bom tấn công không mới. Tuy nhiên, Reuters dẫn ý kiến nhiều chuyên gia lo ngại sau vụ ám sát hụt này, máy bay không người lái có thể sẽ được nhiều nhóm, nhiều tổ chức sử dụng để thực hiện các vụ đánh bom, tấn công bằng vũ khí sinh-hóa học.
Tổ chức IS từng dùng máy bay không người lái thực hiện hàng loạt vụ tấn công. Khả năng máy bay không người lái được sử dụng tấn công các nguyên thủ quốc gia cũng rất đáng lo. Tháng 1-2015, một máy bay không người lái rơi ở vườn Nhà Trắng sau khi bị lạc điều khiển, làm dấy lên lo ngại về an ninh của tổng thống Mỹ.
Vài tháng sau, một người đàn ông vốn phản đối chính sách hạt nhân của Nhật đã điều khiển một máy bay không người lái chở theo cát nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukuchima đến văn phòng thủ tướng Nhật. Tháng trước, an ninh Saudi Arabia vừa bắn hạ một máy bay không người lái gần dinh hoàng gia, dẫn tới đồn đoán khả năng có đảo chính.
Một số nhóm hoạt động xã hội cũng dùng tới máy bay không người lái để tuyên truyền. Tháng 7-2018, nhóm môi trường Greenpeace điều khiển một máy bay không người lái đâm vào một nhà máy hạt nhân của Pháp để chứng tỏ các nhà máy hạt nhân dễ bị tổn thương, dễ bị khủng bố như thế nào.
Trước vụ ám sát ông Maduro, các nhóm phản đối ông Marudo từng dùng các máy bay không người lái đơn giản để đo đếm lượng người tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Thị trường máy bay không người lái thương mại nhiều năm nay nở rộ khi giá bán ngày càng rẻ. Máy bay không người lái có bốn động cơ, có thể điều khiển bay xa cách 2 km trong hơn 20 phút, có giá chưa tới 1.000 đô nếu mua trên mạng.