Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 4/4/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân chính quyền Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa.
Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm đánh chiếm quần đảo Trường Sa. Thứ tự mục tiêu đánh đảo Song Tử Tây trước, làm bàn đạp và rút kinh nghiệm để đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa...
Thần tốc ra đảo xa
Ngày 10/4/1975, biên đội tàu 3 chiếc gồm 673, 674, 675 - Trung đoàn 125 cấp tốc từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, đón các đơn vị đặc công lên tàu và rời cảng ra khơi vào hồi 4h sáng ngày 11/4. Là chỉ huy đội 1 trong đội hình biên đội tàu ra giải phóng đảo, sự kiện lịch sử cách đây 40 năm vẫn hiện rõ trong ký ức của người lính đặc công Hải quân, Đại tá Nguyễn Ngọc Quế - Anh hùng LLVTND.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quế - Anh hùng LLLVTND. |
Ông Quế kể: Lực lượng đặc công 126 Hải quân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Mai Năng lúc đó hành quân 2 ngày 3 đêm mới ra được quần đảo Trường Sa. Tàu được cải biên thành tàu đánh cá. Các thủy thủ tàu không số ăn mặc quần áo theo quy định, còn lực lượng đặc công ở dưới hầm, bên trên căng lưới. Tàu phải chuyển hướng liên tục, có ngày chuyển hướng đến 3 lần để không cho địch phát hiện hướng hành quân.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quế cho biết: Trên quần đảo có rất nhiều đảo nên anh em phải di chuyển theo chiến thuật nghi binh, áp sát đảo để trinh sát. Sau khi phát hiện cờ của chính quyền Sài Gòn trên đảo Song Tử Tây, tàu tiếp tục vào gần quan sát bố trí trên đảo, hầm hào, công sự, bốt canh để lên phương án tấn công.
“Tầm quan sát qua ống nhòm có giới hạn nên khi cách đảo khoảng 1 lý, tàu mạnh dạn tiến sát thì hỏa lực trong đảo bắn ra. Sau này tù binh khai, do nhiều tàu bị mắc cạn tại khu vực này nên khi thấy “tàu đánh cá” thì bắn báo hiệu chứ không phát hiện được rõ tàu của quân giải phóng”, ông Quế kể.
Trinh sát đảo xong thì tàu lùi ra và xác định hướng đổ bộ. Lực lượng chia thành 3 mũi độc lập tác chiến trên 1 quy định: Mũi 1 khi đổ bộ vào được đảo thì nhiệm vụ chính là trinh sát, phát hiện các hầm ngầm. Mũi 2 khi tiếp cận, nếu mũi 1 không lộ thì trinh sát các lô cốt, nhà nổi, các ụ súng trên mặt đất. Mũi thứ 3 do ông Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy mang theo một khẩu DKZ 82 để bắn làm hiệu lệnh đồng loạt tấn công. Mỗi mũi cách nhau chừng 20-30 phút để có thể chi viện cho nhau khi bị lộ.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quế cho biết, trong hiệp đồng giao nhiệm vụ như thế nhưng để thực hiện thì rất khó khăn: “Rời tàu xuống mặt nước chỉ thấy một màu đen đặc trong đêm, không biết lấy cái gì làm cơ sở định hướng. Nếu sóng to, gió lớn, chiếc xuồng cũng như một cái phao trôi dạt trên đại dương. Bằng kỹ năng được huấn luyện, người lính đặc công phải căn cứ vào hướng gió, chiều sóng mà kẻ đường vào đảo”.
Tấn công chớp nhoáng giải phóng Song Tử Tây
Chó cắn liên tục nên địch nghi ngờ và tăng cường tuần tra, canh gác, bắn pháo sáng. Quân lính trên đảo phát hiện mũi thứ 3 do ông Quế chỉ huy nên dùng đại liên bắn loạn xạ. Chính việc địch dồn hỏa lực về mũi 3 cũng tạo điều kiện cho 2 mũi trinh sát còn lại nhanh chóng tiếp cận đảo.
Ông Nguyễn Ngọc Quế (lúc đó là Trung úy) lệnh cho mọi người xuống nước vừa bơi vừa bám xuồng, nhanh chóng tiếp cận vào đảo để thực thi nhiệm vụ bắn viên đạn DKZ 82 làm hiệu lệnh cho hai mũi kia tấn công.
“Khi viên đạn DKZ82 nổ, hiệu lệnh phát ra thì trong vòng hơn 40 phút, tiếng súng AK, tiếng lựu đạn của ta cùng với hỏa lực của đối phương vang rền, chớp lửa sáng chói trên biển. Lực lượng đặc công với cách đánh chớp nhoáng, bao vây, tiến về hướng điểm cao của cột cờ, bám sát đối tượng và mục tiêu được giao để đánh. Tất cả anh em đều xác định tinh thần chiến đấu trên đảo giữa biển khơi thì không có đường lui”, ông Quế nhớ lại.
Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu. |
Khoảng 5h ngày 14/4, trời sáng dần, lực lượng giải phóng làm chủ hoàn toàn đảo. Mỗi người lại được giao nhiệm vụ tịch thu vũ khí, củng cố trận địa, tiếp tục trinh sát, phát hiện hết các lô cốt, hầm ngầm để tránh bỏ sót. Hạ sĩ Lê Xuân Phát kéo lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xác định chủ quyền trên đảo Song Tử Tây.
“Anh em chặt cây dừa làm trận địa pháo giả, lấy vũ khí của địch, củng cố và bố trí lại trận địa để sẵn sàng chiến đấu. Đến 9h ngày 14/4/1975, một tàu nước ngoài lượn lờ trinh sát rồi cắt thẳng vào đảo, nhưng khi phát hiện cờ quân giải phóng và lực lượng cơ động trên công sự thì lùi ra tiếp tục trinh sát rồi rời đi. Hai ba ngày sau, phát hiện liên lạc với đảo Song Tử Tây mất nên một tàu HQ của ngụy quyền chạy ra nhưng rồi cũng không làm được gì”, ông Quế nhớ lại và cho biết.
Hơn một tháng ở lại trên đảo, khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng người lính giải phóng vẫn kiên trung giữ đảo. Nhiệm vụ hoàn thành khi lực lượng Quân khu 5 ra tiếp quản.
Niềm tin vững chắc giữ biển đảo thiêng liêng
Đại tá Nguyễn Ngọc Quế tâm sự, nhiệm vụ hoàn thành, cùng với miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, những người lính đạp sóng ra Trường Sa như ông tự hào khi góp phần cùng toàn dân giữ toàn vẹn lãnh thổ.
Sau này từng kinh qua nhiều vị trí công tác: Tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng, Lữ đoàn phó, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân cho đến khi về hưu năm 2008, ông đã có dịp đến thăm các đảo, trong đó có Song Tử Tây. Một niềm vui khó tả khi chứng kiến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao.
Một góc đảo song Tử Tây hiện nay. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
“Giờ đây trên các đảo đã điện gió, điện năng lượng mặt trời, cây xanh với dừa, phong ba, bàng vuông phủ mát. Rau xanh nảy mầm giữa biển khơi qua sự cần cù, khéo léo của người lính. Nhiều đảo đã có chùa, có dân, y tế, trường học, thông tin đại chúng như sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Điều đó thật đáng mừng, vì trước đây, như đảo Song Tử Tây còn hoang tàn, nước ngọt gần như không có. Rau xanh là niềm mơ ước”, Đại tá Nguyễn Ngọc Quế chia sẻ.
Một điều nữa khiến người lính đặc công Hải quân năm nào không giấu được niềm vui: Cùng với điều kiện của đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại; nhiều vũ khí hiện đại đã được trang bị, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Giờ đây, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế đều biết đến nhiều hơn về Trường Sa; thấy rõ được sự phát triển từng ngày của đảo xa.
“Nhận thức của toàn dân tộc về chủ quyền biển, đảo nâng lên từng ngày. Điều đó càng củng cố sức mạnh của Việt Nam, góp phần giữ vững biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Quế tin tưởng.