Các nước như Anh, Mỹ, Nhật Bản đang cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp vaccine với các thỏa thuận giữa các đối tác như Sanofi và Glaxo Smith Kline Plc, Pfizer Inc. Trong khi đó liên minh châu Âu cũng rất tích cực trong việc có được các liều vaccine, dù hầu hết các loại vaccine COVID-19 vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Mặc dù các nhóm quốc tế và một số quốc gia hứa hẹn sản xuất loại vaccine có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận với tất cả mọi người, nhưng số liều vaccine khó có thể theo kịp nhu cầu của cả thế giới 7,8 tỷ người. Khả năng các quốc gia giàu có sẽ độc quyền cung cấp, kịch bản từng diễn ra trong đại dịch cúm lợn năm 2009, đã gây ra mối lo ngại trong các quốc gia nghèo.
Một số nước giàu đã nhanh chóng "đặt trước" hơn một tỷ liều vaccine COVID-19, dấy lên lo ngại những nước khác sẽ phải chờ đợi để có được vaccine chống lại dịch bệnh. (Ảnh minh họa) |
Không đủ vaccine cho cả thế giới?
Công ty phân tích Airfinity có trụ sở tại London cho biết, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã bảo đảm được cho họ khoảng 1,3 tỷ liều tiêm chủng COVID-19 tiềm năng. Các giao dịch đang chờ xử lý sẽ giúp họ có thêm khoảng 1,5 tỷ liều.
"Ngay cả khi bạn có một đánh giá lạc quan về tiến bộ khoa học, thì vẫn không có đủ vaccine cho cả thế giới", theo Rasmus Bech Hansen, giám đốc điều hành Airfinity. Một điều rất quan trọng nữa cần xem xét là hầu hết các loại vaccine có thể cần hai liều, ông nói.
Trong khi đó, khi nào một loại vaccine hiệu quả xuất hiện vẫn còn là câu hỏi. Một vài đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, chẳng hạn như Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca Plc, Pfizer-BioNTech SE, đã tham gia vào các nghiên cứu ở giai đoạn cuối, thúc đẩy hy vọng rằng vũ khí để chiến đấu với virus corona chủng mới sẽ sớm xuất hiện.
Nhưng các nhà phát triển vẫn phải vượt qua các thử nghiệm, hoàn thành các thủ tục pháp lý và tăng cường sản xuất. Nguồn cung trên toàn thế giới có thể không đạt nổi 1 tỷ liều cho đến quý đầu tiên của năm 2022, Airfinity dự báo.
Hàng loạt thỏa thuận
Đầu tư vào năng lực sản xuất trên toàn thế giới được coi là một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề nan giải này, và các công ty dược phẩm đang bắt đầu phác thảo kế hoạch triển khai các mũi tiêm trên diện rộng. Nhiều công ty và tổ chức đang làm việc cùng nhau cho một sáng kiến toàn cầu, Covax, nhằm mang đến quyền tiếp cận rộng rãi và công bằng đối với vaccine COVID-19. Họ đã đặt ra một kế hoạch trị giá 18 tỷ USD để đảm bảo 2 tỷ liều vaccine được cung cấp trên toàn cầu tính đến cuối năm 2021.
Nếu các chính phủ đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, có thể dẫn đến kết quả tồi tệ hơn cho mọi người, vì cho phép virus tiếp tục lây lan, một số quan chức cảnh báo.
Các quốc gia sẽ cần phải đạt được một loạt các thỏa thuận khác nhau với các nhà sản xuất vaccine để tăng cơ hội nhận được nguồn cung, vì một số loại vaccine có thể không thành công, theo Seth Berkley, CEO của Gavi, tổ chức cùng tham gia Covax.
Mỹ là một trong những nhà đầu tư lớn trong cuộc đua giành nguồn cung vaccine COVID-19. (Ảnh minh họa) |
"Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là đứng trước một loạt các thỏa thuận", ông nói. "Hy vọng của chúng tôi là với một danh mục vaccine, chúng tôi có thể đưa các quốc gia đến với nhau."
Khoảng 78 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia Covax. Ngoài ra, hơn 90 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình sẽ có thể tiếp cận vaccine COVID-19 thông qua chương trình. Nhưng vẫn còn những lo ngại phần còn lại của thế giới có thể tụt lại phía sau trong cuộc đua giành nguồn cung vaccine.
Những nhà đầu tư lớn nhất
AstraZeneca vào tháng 6 đã trở thành nhà sản xuất đầu tiên đăng ký chương trình của Gavi, cam kết 300 triệu liều. Pfizer và BioNTech cũng đang quan tâm đến việc cung cấp cho chương trình. Brazil, quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai, đã đạt được thỏa thuận cung cấp các liều vaccine với AstraZeneca.
Trong khi đó chính quyền ông Trump đồng ý chi 2,1 tỷ USD cho các đối tác Sanofi và Glaxo, khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ cho Chiến dịch Warp Speed. Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ các thử nghiệm lâm sàng và sản xuất đồng thời cho phép Mỹ bảo đảm 100 triệu liều vaccine, nếu nó thành công. Mỹ cũng đầu tư vào các dự án khác.
Liên minh châu Âu đang chốt một thỏa thuận với số lượng lên tới 300 triệu liều với Sanofi-Glaxo và đang thảo luận nâng cao với một số công ty khác. Ủy ban châu Âu cam kết đảm bảo rằng tất cả những ai cần vaccine đều có được nó, ở bất cứ đâu trên thế giới.
Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết biến bất kỳ loại vaccine nào do nước này phát triển đều thành hàng hóa công cộng toàn cầu.