Cô Claire Embleton, sống tại Liverpool, mẹ của 4 đứa trẻ đang phải đối mặt với nguy cơ liệt hàm vĩnh viễn, và buộc phải phẫu thuật cấy ghép hàm trong thời gian tới do nghiện nhai kẹo cao su trong 5 năm liên tục.
Hiện tại, Claire không thể mở miệng quá 1cm. Các bác sĩ có thể phải ghép hàm kim loại thay thế hàm thật đã mất chức năng của cô này.
"Tôi đã bị sốc khi các bác sĩ nói rằng việc nhai kẹo cao su khiến hàm của tôi bị làm việc quá tải và bị mòn các khớp. Trước đó, tôi luôn tin rằng nhai kẹo cao su là hành động có lợi cho sức khỏe. Do vậy, tôi luôn có thói quen nhai kẹo sau khi ăn và uống gì đó", cô Claire chia sẻ.
Claire Embleton nghiện nhai kẹo cao su trong 5 năm liên tục. |
Claire cũng tâm sự, cô không bao giờ tưởng tượng được rằng những gì mình nghĩ là thói quen tốt lại có thể nguy hiểm đến vậy.
Một năm trước, Claire phải đối mặt với những dấu hiệu đầu tiên của bệnh liệt hàm là sưng nướu, khó mở miệng, khiến cô không thể ăn uống hay nói chuyện nhiều như bình thường. Sau đó, tình trạng này ngày càng nặng khiến cô hoàn toàn không thể mở miệng, mặc dù cô này đã ngừng nhai kẹo cao su và uống thuốc giảm đau.
Nha sĩ tại Bệnh viện Ainfree ở Liverpool đã chẩn đoán Claire bị mắc chứng rối loạn khớp thái dương hàm. Trong 6 tháng sau đó, cô này phải trải qua phương pháp vật lý trị liệu, nhưng quá trình điều trị không mang lại hiệu quả, các bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật thay thế xương hàm vào cuối tháng này.
Claire hy vọng câu chuyện của mình sẽ là lời cảnh báo cho những ai đang có thói quen nhai kẹo cao su mỗi ngày.
Giáo sư Damien Walmsley, cố vấn tại Hiệp hội Nha khoa Anh cho hay: "Nhai kẹo cao su không đường trong một chừng mực nhất định, đặc biệt là sau bữa ăn có thể đem lại lợi ích sức khỏe răng miệng của bạn bằng cách kích thích sản xuất nước bọt, điều này giúp trung hòa axit từ các vi khuẩn gây sâu răng".