Ngày 2/6 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 kho nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa in nhãn mác chữ Trung Quốc. Ảnh: PV. |
“Loạn” thị trường trà sữa
Khảo sát, ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, tốc độ khai trương chóng mặt của các cửa hàng trà sữa tại thành phố này khiến nhiều người bất ngờ. Tại các tuyến đường Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, phố Thái Hà, Kim Mã, Láng Hạ... hai bên đường có tới hàng chục quán trà sữa khác nhau. Qua khảo sát, Hà Nội đang có khoảng hơn 30 thương hiệu trà sữa. Một điểm chung giữa các hàng trà sữa mở rầm rộ hiện nay là phần lớn được đầu tư kiểu nhượng quyền. Các cửa hàng đều chọn mở ở những vị trí đẹp, thuận tiện giao thông, được trang trí trẻ trung, bắt mắt… Nhiều điểm bán trà sữa cũng rất biết cách chiều lòng “thượng đế trẻ” khi cung cấp dịch vụ ship hàng đến bất cứ đâu, trong thời gian ngắn.
Quản lý một thương hiệu trà sữa chia sẻ, nhu cầu trà sữa tại Hà Nội có thể được coi như đang ở thời kỳ đỉnh cao. Hiện tại vẫn có nhiều người muốn đầu tư làm trà sữa, do vậy các thương hiệu phải cạnh tranh nhau rất gay gắt. Thị trường trà sữa phát triển, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, tuy nhiên, cuộc “bùng nổ” quá nhanh ấy khiến người ta đôi khi bị rối trí, không biết chọn loại nào, nhất là khi tên gọi, hương vị của chúng lại “na ná” giống nhau. Ngoài tên gọi giống nhau, quán nào cũng có chung những vị trà cơ bản, phong cách phục vụ y hệt, thiết kế menu không có nhiều khác biệt, cốc đựng trà cũng một màu chỉ khác mỗi tên thương hiệu.
Để tạo ra sự khác biệt, menu đồ uống của một số quán trà lại “chơi trội” với những cái tên mỹ miều dài ngoằng như: trà váng sữa ái vương đào trắng, trà matcha đậu đỏ tương ngộ… Thoạt nghe thấy rất hay nhưng những cái tên riêng biệt ấy cũng nhanh chóng bị coppy - paste khiến người tiêu dùng tiếp tục hoang mang với đủ loại tên gọi vừa rắc rối, vừa na ná nhau. Nguyễn Thị Lan (sinh viên Đại học Thương Mại) cho biết: “Mua hè nắng nóng mỗi tuần tôi thường uống khoảng 2-3 cốc trà sữa. Nếu thử hết các vị của các thương hiệu trà sữa ở Hà Nội thì có lẽ cả tháng không hết”.
Nguồn gốc mập mờ
Chiều 2/6 vừa qua, nhiều tín đồ trà sữa tại Hà Nội lại được một phen nháo nhác khi hay tin lực lượng chức năng vừa kiểm tra và phát hiện một kho nguyên liệu làm trà sữa hơn 1 tấn không rõ nguồn gốc, bảo quản trong môi trường bẩn thỉu tại cửa hàng thuộc phường Phú Lương (Hà Đông). Chủ cơ sở tiết lộ, các loại bột trà này được bán cho các cửa hàng trà sữa với giá 800.000 đồng/một bao 25kg, một bao pha được hơn 1.000 cốc trà sữa. Như vậy, 1 tấn bột trà này sẽ cho ra khoảng 400.000 cốc trà sữa thành phẩm. Chủ cơ sở nói rằng “nhập mối” từ một khu hàng tại chợ Hà Đông. Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện hàng chục loại nguyên liệu trà sữa không đảm bảo chất lượng đang được bày bán tại gian hàng trong khu chợ này.
Trước đó, trong hai ngày 15 và 19/1, lực lượng QLTT Hà Nội cũng liên tiếp phát hiện những vụ việc tương tự tại kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam (Nam Từ Liêm) và một cửa hàng của thương hiệu trà sữa Ding Tea thuộc phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa). Chủ của các cơ sở nói trên trên đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số nguyên liệu trà sữa. Cách đây không lâu, Báo Gia đình & Xã hội cũng đăng tải bài viết về hàng loạt cửa hàng bán chất phụ gia trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo quảng cáo, những cửa hàng này chuyên bán nguyên liệu làm trà sữa, sữa ngô… với giá rẻ. Để xác thực thông tin, chúng tôi đã theo chân những người thường xuyên mua các chất phụ gia pha chế sữa ngô tại phố Hàng Buồm. Khá bất ngờ khi điểm đến của họ đa phần là các quán cà phê, quán giải khát nằm trên đường Hương Viên (quận Hai Bà Trưng), đường Chùa Láng, khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân)…
Đa số các loại thạch, trân châu được bỏ sẵn trong các chai, lọ, khi người khác gọi chỉ cần bỏ những hạt này vào ly trà sữa và mang ra cho người mua. Một số cửa hàng dùng các loại thạch, trân châu đầy đủ màu sắc, không rõ nguồn gốc cho vào ly trà sữa và có một số tự xưng là “trà sữa nhà làm”, “trà sữa Đài Loan” nhưng thực chất những loại hạt này hoàn toàn chưa rõ nguồn gốc và chưa được kiểm định chất lượng. Tiếp nhận phản ánh, Đội Quản lý thị trường quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với UBND phường Hàng Buồm tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh chất phụ gia trên phố Hàng Buồm. Qua kiểm tra, chủ cơ sở thừa nhận việc không dán tem, nhãn sản phẩm sau khi sang chiết sang chai hoặc đóng gói mới đối với các chất phụ gia này để thuận tiện cho buôn bán. Được biết, trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nhiều mẫu trà sữa, kết quả thu được tất cả các mẫu đều có chỉ số vi khuẩn hiếu khí vượt mức cho phép.
Bàn về vấn đề trên, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội cho biết: “Hệ lụy dễ thấy nhất là bị đau bụng, tiêu chảy. Nếu thường xuyên uống trà sữa dạng này, một loạt hóa chất độc hại sẽ dần tích tụ trong cơ thể, gây bệnh”, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội nói và phân tích thành phần chủ yếu của trà sữa sản xuất hàng loạt là dầu thực vật hydro hóa, làm tăng nguy cơ vô sinh, tim mạch và ung thư. Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, một số cửa hàng làm trà sữa trân châu từ tinh trà, là chất tổng hợp hóa học, nếu dung nạp quá nhiều chất này vào cơ thể thì sẽ gây ra tổn thương cho gan thận về lâu dài.