Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới vụ tai nạn máy bay xảy ra mới đây ở San Francisco, bang California (Mỹ). Ít nhất 2 người thiệt mạng và 181 người khác bị thương sau khi chiếc máy máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Asiana Airlines (Hàn Quốc) gặp sự cố hạ cánh tại sân bay quốc tế San Francisco vào ngày 6/7. Chiếc máy bay chở 291 hành khách cùng phi hành đoàn 16 người cất cánh từ thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Khi gặp nạn máy bay đã bị mất phần đuôi, một cánh bị gãy, phần nóc bị cháy, những mảnh vụn từ máy bay văng khắp nơi.
Trong số những hành khách trên chuyến bay OZ 214 gặp nạn tại San Francisco có hành khách quốc tịch Việt Nam. Hành khách được xác định là bà Đặng Thị Hiền, 37 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Người thân ở Việt Nam và hãng hàng không Asiana đều xác nhận bà Hiền bay cùng chồng (Việt kiều Mỹ) và cậu con trai 7 tuổi sang San Francisco trên chuyến bay OZ 214.
Vụ tai nạn máy bay Boeing 777 của Asiana Airlines ở sân bay quốc tế San Francisco. |
Còn nhớ, hồi giữa năm 2012, vụ máy bay Sukhoi Superjet 100 gặp nạn tại Indonesia cũng tốn không ít giấy mực của báo chí. Chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar ở khu vực phía nam Jakarta (Indonesia) sau khi cất cánh từ sân bay Halim Perdanakusuma ở Jakarta vào lúc 14 giờ (giờ địa phương) ngày 9/5. Theo đại diện Cơ quan kiểm soát không lưu Indonesia, trước khi mất liên lạc không lâu, họ nhận được đề nghị xin phép hạ thấp độ cao.
Mảnh vỡ của chiếc Sukhoi bị nạn được tìm thấy. |
Nạn nhân mang quốc tịch Pháp này được xác định là ông Nam Trần, Việt kiều Pháp, Giám đốc Bán hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Snecma. Snecma là công ty con của Tập đoàn Safran, Pháp, chuyên sản xuất động cơ máy bay.
Chiếc máy bay này, trước khi gặp nạn, có kế hoạch sẽ được mang sang chào bán ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Lào và Việt Nam. Nó đã thực hiện một chuyến bay biểu diễn thành công trong buổi sáng nhưng mất tích trong chuyến bay chiều. Đây là vụ rơi máy bay hành khách sản xuất mới đầu tiên của Nga kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Vị trí rơi máy bay được xác định là cách thủ đô Jakarta 64 km về phía Nam và không còn ai sống sót trong vụ rơi máy bay này. Trực thăng đã tìm thấy những mảnh vỡ của máy bay trên triền núi lửa Salak hiện không hoạt động.
Sau đó, một loạt các nước có hợp đồng đặt mua máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga đã hủy các chuyến bay trình diễn tại các đất nước này. Việt Nam đã hủy 2 chuyến bay trình diễn của loại máy bay này.
Còn nhớ năm 2001, vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Quảng Bình (Việt Nam) khiến 16 người thiệt mạng cũng để lại bao đau xót trong cộng đồng người Việt. Chiếc trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất, chở đoàn tìm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, ngày 7/4/2001 đã đâm xuống sườn núi tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Toàn bộ 9 người Việt và 7 người Mỹ đi trên máy bay đã tử nạn.
Địa điểm chiếc trực thăng Mi-17 gặp nạn |
Tai nạn máy bay là tai nạn khủng khiếp và khó kiểm soát nhất trong các tai nạn của các phương tiện vận chuyển hành khách. Ngày 7/5 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải nước ta đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-BGTVT phê duyệt Chương trình An toàn Quốc gia trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra chính sách và thiết lập các mục tiêu chiến lược an toàn như: Tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn hàng không của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện. Thực hiện công tác phê chuẩn và giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động khai thác tàu bay thuộc pham vi quản lý đã được quy định. Tiếp tục hoàn thiện và sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở quản lý rủi ro để giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng hành khách do sự cố tai nạn gây nên. Phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không, cơ sở bảo dưỡng tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và nhà khai thác sân bay để củng cố và khắc phục triệt để các vấn đề về an toàn còn tồn tại. Đảm bảo cơ sở vật chất hỗ trợ việc khai thác. Tích cực thu thập thông tin an toàn trong phạm vi toàn cầu và của hàng không Việt Nam để phân tích, chia sẻ và phân loại mức độ ưu tiên trong việc xử lý các vấn đề mang tính cấp bách và có thể trực tiếp uy hiếp đến an toàn hàng không.Đảm bảo an toàn bay cho các chuyến bay, không chỉ là trách nhiệm của tổ lái, của cơ quan điều hành bay mà đó còn là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng trong việc quản lý không sự. |