Ngày 14/12, Ả-rập Xê-út thông báo việc thành lập một liên minh quân sự chống khủng bố với sự tham gia của 34 nước thành viên Hồi giáo. Tuy nhiên, hai nước quan trọng là Iran và Iraq lại không tham gia liên minh quân sự chống khủng bố này.
Theo nhận định của các chuyên gia, Liên quân Hồi giáo này sẽ gây ra tình trạng chia rẽ ở Trung Đông và gia tăng các cuộc xung đột giáo phái giữa những người Hồi giáo Sunni và Shia.
“Liên minh quốc tế mới do Ả-rập Xê-út dẫn đầu sẽ đẩy người Sunni và Shia rơi vào xung đột. Rõ ràng, chính phủ Iraq với đa số thành viên là người Shia nghĩ như vậy. Họ đã từ chối gia nhập liên minh này”, Sputnik dẫn lời chuyên gia Ivan Eland đến từ Trung tâm Hòa bình và Tự do.
Quân đội Ả-rập Xê-út nã pháo về phía Yemen từ một khu vực gần biên giới Ả-rập Xê-út-Yemen ngày 13/4/2015. |
Nhà phân tích Eland cảnh báo rằng trong một liên minh lớn như vậy, các quốc gia thành viên không thể đồng thuận với những đề xuất mà tất cả đều có thể thực hiện.
“Vấn đề trong cuộc chiến chống khủng bố là mỗi quốc gia dường như có chính kiến khác nhau. Liên minh quân sự Hồi giáo lớn như vậy thực sự có thể cản trở sức mạnh chiến đấu bởi vấn đề hợp tác giữa các nước”, ông Eland nhấn mạnh.
Sáng kiến của Ả-rập Xê-út có thể giúp các quốc gia bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố và những tiến trình rắc rối trong nội bộ dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ lẫn nhau trong khu vực nơi chính sách của Mỹ ngày càng mất ổn định, theo chuyên gia người Mỹ Dan Lazare.
“Trong bối cảnh bất ổn khu vực gia tăng, khoảng trống quyền lực đang mở ra khắp nơi. Điều này thúc đẩy tham vọng của Đế quốc Ottoman cũ”, ông Lazare bình luận.
Ông Lazare giải thích, sáng kiến mới của Ả-rập Xê-út và thái độ gây hấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở khu vực Mosul đối với Iraq đều bắt nguồn từ sự phá vỡ luật pháp quốc tế ở Trung Đông cũng như hậu quả trực tiếp của việc Mỹ mưu toan truyền bá nền dân chủ phương Tây ở khu vực.
“Các chính sách của Mỹ dẫn tới tình trạng hỗn loạn khắp khu vực: từ Cận Đông đến Vịnh Ba Tư và Biển Đen", nhà phân tích Lazare nói.
Ông Wajahat Masood – một chuyên gia chính trị Pakistan và là nhà hoạt động nhân quyền – từng nói rằng sáng kiến mới của Ả-rập Xê-út có thể phản ánh mối lo của Riyadh về việc chủ nghĩa cực đoan và bạo lực do nước này tài trợ hoặc tạo ra trên thế giới trong những thập kỷ gần đây quay trở lại đe dọa chính nước họ.