Ngày 16/2, Liên Hợp Quốc cảnh báo Iraq có nguy cơ không thể kiểm soát tình hình sau vụ tấn công rocket nhằm vào căn cứ không quân ở khu tự trị người Kurd của nước này khiến một nhà thầu nước ngoài thiệt mạng và một số người bị thương.
Trên mạng xã hội Twitter, Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Iraq Jeanine Hennis-Plasschaert lên án vụ tấn công, cho rằng: “Những hành động liều lĩnh, tàn ác này đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định.” Bà Plasschaert kêu gọi Chính phủ Iraq và các chính quyền khu vực kiềm chế và hợp tác với nhau để điều tra vụ việc.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cũng bày tỏ phản đối mọi hành động gây tổn hại đến an ninh và hòa bình của Iraq, đồng thời bác bỏ các cáo buộc cho rằng Tehran dính líu tới vụ tấn công trên.
Trước đó, liên quân do Mỹ đứng đầu thông báo một vụ nã rocket nhằm vào một căn cứ không quân tại khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq đêm 15/2 đã khiến một nhà thầu dân sự nước ngoài thiệt mạng và 9 người bị thương.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn các nguồn tin cho biết, ít nhất 3 quả rocket đã được phóng vào thành phố Arbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd tại Iraq, trong đó một quả đánh trúng một khu phức hợp quân sự ở sân bay Arbil, nơi binh sỹ liên quân do Mỹ đứng đầu đồn trú.
Người phát ngôn liên quân, Đại tá Wayne Marotto xác nhận nhà thầu thiệt mạng không phải người Mỹ, song không tiết lộ quốc tịch của nạn nhân. Ngoài ra, 9 người bị thương gồm 8 nhà thầu dân sự và một binh sỹ Mỹ.
Chính quyền khu vực người Kurd đã xác nhận vụ tấn công bằng rocket, đồng thời cho biết đang tiến hành điều tra vụ việc và kêu gọi người dân ở nhà cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Lực lượng an ninh cũng nhanh chóng được triển khai xung quanh sân bay. Đến sáng 16/2, sân bay Arbil vẫn đóng cửa trong khi các cơ quan chức năng đánh giá thiệt hại do vụ tấn công.
Hiện có khoảng 2.500 lính Mỹ đang đồn trú ở Iraq để hỗ trợ các lực lượng sở tại trong các trận chiến chống lại tay súng của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, chủ yếu cho mục đích huấn luyện và cố vấn.