Lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza: Phản ứng từ Hamas và nội bộ Israel

Lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza: Phản ứng từ Hamas và nội bộ Israel

Dù phải chịu tổn thất lớn, Hamas vẫn coi thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza là chiến thắng của lực lượng vũ trang này và là thất bại của Israel. Tại Israel, phản ứng trái chiều cũng xuất hiện về lệnh ngừng bắn.

Các tay súng Hamas trao trả con tin Israel cho các thành viên của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại thành phố Gaza, ngày 19/1/2025. Ảnh: Reuters TV

Hamas chưa bị “xóa sổ”

Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 19/1, những tay súng Hamas đeo mặt nạ xuất hiện trên các phương tiện đi lại trên những con phố bị tàn phá ở Gaza để ăn mừng. 

Các thành viên một đơn vị tinh nhuệ của Hamas mặc quân phục xuất hiện tại quảng trường Al Saraya ở thành phố Gaza trong quá trình bàn giao con tin cho Israel. Theo CNN, đó là lời nhắc của Hamas rằng cánh vũ trang của lực lượng này vẫn ở đây 15 tháng, sau khi Israel lên kế hoạch "xóa sổ" họ.

Một trong những mục tiêu chính của Hamas khi bắt giữ khoảng 250 con tin trong cuộc tấn công bất ngờ vào Israel ngày 7/10/2023 là để đảm bảo việc Israel phải trả tự do cho các tù nhân Palestine bị giam giữ. 

Khi Israel tấn công Gaza để đáp trả, Hamas đã tuyên bố sẽ không trả lại các con tin cho đến khi Israel rút quân khỏi vùng đất này, chấm dứt xung đột vĩnh viễn và cho phép tái thiết.

Sau hơn một năm giao tranh, Hamas và Israel trong những ngày gần đây đã đạt được một thỏa thuận theo từng giai đoạn. Theo đó, ngoài lệnh ngừng bắn trong 42 ngày và viện trợ, Hamas sẽ thả các con tin để đổi lấy tù nhân Palestine. Thỏa thuận này cũng mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán tiếp theo có thể dẫn đến việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

“Hamas đã đạt được những gì người dân Palestine mong muốn", thành viên chính trị cấp cao của Hamas, Osama Hamdan, nói với Al Jazeera sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.

Ngày 15/1, Khalil Al Hayya, nhà đàm phán chính của Hamas, phát biểu rằng Israel đã không đạt được mục tiêu quân sự của nước này, đồng thời ca ngợi cánh vũ trang của Hamas - lữ đoàn Al Qassam.

Một số bộ trưởng, nhà lập pháp và thậm chí một nhóm nhỏ gia đình con tin Israel coi việc chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn là một thất bại của Israel. 

Cựu Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben Gvir, người mới từ chức khỏi chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, gọi thỏa thuận ngừng bắn là một "sự đầu hàng". 

Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich gọi thậm chí còn gọi thỏa thuận là "thảm họa". Một nhóm quân nhân dự bị của Israel gọi đó là "thỏa thuận đầu hàng".

“Khi bạn thấy… điệu nhảy ở Gaza, lễ kỷ niệm ở các ngôi làng ở Judea và Samaria – bạn hiểu bên nào đã đầu hàng trong thỏa thuận này", cựu Bộ trưởng Ben Gvir nói ngày 16/1. Judea và Samaria là tên mà Israel gọi khu vực Bờ Tây.

Tuy nhiên, theo CNN, hầu hết người dân Israel đều hoan nghênh thỏa thuận này, bao gồm phần lớn các gia đình con tin, Tổng thống Israel Isaac Herzog và phe đối lập. Văn phòng của Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết, sau khi nội các an ninh chấp thuận thỏa thuận, Thủ tướng vẫn "ủng hộ việc đạt được các mục tiêu của cuộc xung đột Israel - Hamas".

Một nguồn tin thân cận với vấn đề này nói với CNN rằng, ông Netanyahu đã nói với các bộ trưởng rằng Mỹ đã đưa ra bảo đảm "nếu Hamas phá hoại một giai đoạn nhất định của thỏa thuận, Israel có thể tiếp tục tấn công".

Hamas vẫn “đáng gờm” với Israel

Người dân Gaza đi giữa đống đổ nát. Ảnh: Getty

Theo CNN, phản ứng của Israel đối với Hamas sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 rất dữ dội. Họ san phẳng Gaza trong chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong lịch sử vùng đất này, khiến hàng chục nghìn người Palestine thiệt mạng và khiến hàng trăm nghìn người khác phải di dời, nhiều người trong số họ buộc phải sống trong lều trại với rất ít thức ăn và dịch vụ chăm sóc y tế không đầy đủ.

Israel cũng gây ra tổn thất nặng nề cho Hamas, hạ sát thủ lĩnh cấp cao của nhóm này, bao gồm cả thủ lĩnh chính trị Yahya Sinwar, và tuyên bố đã khiến hàng nghìn tay súng của lực lượng này thiệt mạng. 

Theo CNN, Hamas - từng nắm quyền kiểm soát về mặt quân sự và chính trị tại Gaza - nay đã bị thu hẹp chỉ còn một phần nhỏ sau chiến dịch kéo dài 15 tháng của Israel. Với sự suy yếu đáng kể của các đồng minh khu vực là Hezbollah và Iran, Hamas dường như bị cô lập trong khu vực.

Tuy nhiên, lực lượng này vẫn tiếp tục thể hiện họ là nhóm vũ trang đáng gờm nhất chống lại Israel, bổ sung lực lượng bằng cách tuyển dụng số lượng tay súng mới gần bằng số lượng các thành viên đã thiệt mạng.

Tại một sự kiện gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu: "Mỗi lần Israel hoàn thành các hoạt động quân sự và rút lui, các tay súng Hamas lại tập hợp và nổi lên".

“Đó là sự thật. Chúng tôi đánh giá rằng Hamas đã tuyển dụng tân binh gần như bằng số lượng tay súng thiệt mạng. Đó là công thức cho một cuộc nổi loạn lâu dài và xung đột triền miên", ông Blinken nói thêm.

Tahani Mustafa, nhà phân tích cấp cao của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG), lập luận, nỗi đau khổ mà cuộc xung đột Israel - Hamas gây ra cho người dân Palestine ở Gaza chính là "mảnh đất màu mỡ" để Hamas chiêu mộ thành viên.

"Bạn có thể thấy sự gia tăng trong việc tuyển mộ thành viên của Hamas là khi có sự chiếm đóng và bạo lực", bà Tahani nói với CNN. "Làm sao bạn có thể mong đợi toàn bộ người dân Gaza - những người đã mất tất cả - nằm im chịu trận? Đó là cuộc chiến sinh tồn. Các nhóm như Hamas cung cấp cho người dân Gaza phương tiện để làm điều đó".

Ngoại trưởng Mỹ Blinken lưu ý, Mỹ đã nhấn mạnh với chính phủ Israel rằng "Hamas không thể bị đánh bại chỉ bằng một chiến dịch quân sự, rằng nếu không có một giải pháp thay thế rõ ràng, một kế hoạch hậu xung đột và sự trỗi dậy chính trị đáng tin cậy của người Palestine, Hamas hoặc một tổ chức bất kỳ nào đó sẽ phát triển trở lại".

Tin mới