Cụ thể, trong lễ tang của cố Tổng thống Mandela, thông dịch viên này mặc áo vest đen, đeo một đường chuyền an ninh đứng chung sân khấu với Tổng thống Mỹ Obama và nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác. Ông này “khoa tay múa chân” với mục đích dùng “ngôn ngữ ký hiệu” truyền đạt lại lời phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới tới cộng đồng người khiếm thính nói riêng và khán giả toàn cầu nói chung.
Tuy nhiên, Liên đoàn người khiếm thính Nam Phi tuyên bố, những ký hiệu bằng tay mà thông dịch viên này sử dụng đều “vô nghĩa”. Điều này khiến dư luận hết sức phẫn nộ và đang săn lùng thông dịch viên giả mạo này.
Thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu giả mạo (đầu trọc) đứng chung sân khấu với Tổng thống Mỹ Obama và nhiều lãnh đạo thế giới khác trong lễ tang cố Tổng thống Mandela. |
Delphin Hlungwane, một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu của Nam Phi phẫn nộ cho biết: “Không hề có một phần trăm chính xác nào. Ông ta thậm chí không thể làm đúng những điều cơ bản nhất. Ông ta còn không biết ký hiệu cảm ơn”.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, chính phủ Nam Phi phải gấp rút điều tra sự cố, song đến nay chưa rõ danh tính của người đàn ông.
Theo AP, Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền dường như cũng không có thông tin về thông dịch viên bí ẩn, dù một đoạn phim truyền hình của Đại hội Đảng năm ngoái ghi lại được cảnh người đàn ông này “khoa tay múa chân” tương tự để thông dịch lời của Tổng thống Nam Phi Zuma.
Sự cố này thêm vào một loạt các sự cố đáng tiếc, làm hoen ố lễ tang của Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, khiến sự kiện tầm cỡ quốc tế này mất đi tính trang nghiêm, trọng thể.
Những sự cố khác bao gồm, khán giả la ó và nhạo báng bài phát biểu của Tổng thống Nam Phi khiến không khí tang lễ trở nên hỗn loạn, huyên náo. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama bị chỉ trích nặng nề vì tươi cười vui vẻ chụp ảnh “tự sướng” với Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning –Schmidt khi tang lễ đang diễn ra.