Nếu nhìn đơn thuần ở góc độ chuyên môn, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ít có cầu thủ nào ở Việt Nam đạt thành tựu nhiều như Lê Công Vinh. Mười tám tuổi, anh được đưa vào đội chính của Sông Lam Nghệ An, và bắt đầu khẳng định mình như một tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam ở JVC cup 2003. Năm 2004, Công Vinh đoạt danh hiệu Quả bóng vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Tuy nhiên, tên tuổi của tiền đạo gốc Nghệ chỉ nổi bật thật sự với bản hợp đồng đầu quân cho CLB Hà Nội T&T cuối mùa giải 2007, với mức phí “lót tay” được cho là hơn 7 tỉ đồng, kèm khoản tiền lương tháng cao ngất ngưởng. Kể từ thời điểm trên, Lê Công Vinh thực sự trở thành 1 ngôi sao của bóng đá Việt Nam.
Công Vinh được xem là samurai cuối cùng của thế hệ vàng giành ngôi vô địch AFF Cup 2008 ở ĐTVN hiện nay. Ảnh: VSI |
Trong sự nghiệp, Công Vinh đã có tới 2 chuyến xuất ngoại, tới Leixoes của Bồ Đào Nha năm 2009 và sau đó là Consadole Sapporo, đội bóng hạng nhì Nhật Bản vào tháng 7/2013. Sau Hà Nội T&T, Công Vinh lần lượt chuyển tới CLB bóng đá Hà Nội, trở lại đội bóng cũ SLNA và hiện tại đang khoác áo B.Bình Dương. Ngoại trừ lần trở về SLNA, các lần chuyển nhượng khác của tiền đạo này đều gắn với những bản hợp đồng bạc tỉ.
Qua chục mùa giải thi đấu ở V.League, anh có tới 3 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam, vào các năm 2004, 2006 và 2007, ghi hơn 100 bàn thắng ở V.League. Cấp độ ĐTQG, dấu ấn đậm nét nhất là pha đánh đầu làm tung lưới đội tuyển Thái Lan, quyết định chiếc cúp vô địch của Việt Nam ở trận chung kết AFF cup 2008. Từ đó đến nay, lứa cầu thủ từng đem vinh quang về cho Việt Nam đã rơi rụng dần, và hiện chỉ còn lại mình anh. Theo thống kê, Công Vinh cũng là chân sút số 1 của đội tuyển.
Yêu và ghét
Từ AFF cup 2008 đến nay, Lê Công Vinh chưa từng vắng mặt ở một chiến dịch lớn nào của bóng đá Việt Nam. Anh luôn được tin dùng dù bất kể ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam do ai ngồi. Từ ông H.Calisto đến Falko Goetz, HLV Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc, rồi gần nhất là Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng. Anh vẫn đắc dụng, đạt hiệu quả cao như những gì đang thể hiện.
Tuy nhiên, trong khoảng 4 năm trở lại đây, Công Vinh trở thành một trong những mục tiêu bị chỉ trích và chê bai nhiều nhất. Một bộ phận khá đông giới mộ điệu đánh giá thấp năng lực của tiền đạo gốc Nghệ. Khi còn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Toshiya Miura đã chịu áp lực không nhỏ mỗi khi triệu tập anh vào ĐTQG. Đến lượt HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng chung sức ép tương tự. Đã có lúc, Công Vinh bị đem ra so sánh với tiền đạo Công Phượng, cầu thủ vốn được nhiều CĐV yêu mến sau màn trình diễn trong màu áo tuyển U19. HLV Miura từng bị chỉ trích nặng nề khi trọng dụng Công Vinh, thay vì đặt niềm tin vào tiền đạo trẻ từ “lò” HA.GL. HLV Nguyễn Hữu Thắng trong khi đó bị nghi ngờ ưu ái cho cầu thủ đồng hương.
Một phần lý do khiến Công Vinh không được yêu mến được cho là xuất phát từ cá tính ngoài đời. Vinh bị đánh giá là “quá khéo” so với các đồng nghiệp bóng đá vốn thô ráp. Vụ “lật kèo” năm 2012, chia tay CLB Hà Nội T&T của bầu Hiển sau khi đã nhận lời, để đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên khiến Công Vinh mất điểm trong mắt nhiều người.
Yêu, ghét là tình cảm cá nhân, hầu hết những người có chuyên môn đều thừa nhận, không thể quên hay phủ nhận những đóng góp của anh cho bóng đá Việt Nam. AFF cup 2016 sẽ là giải đấu cuối cùng Công Vinh còn khoác áo ĐTQG, bóng đá Việt Nam sau đó sẽ thực sự chia tay một tên tuổi lớn.
Ngoài đời, tiền đạo xứ Nghệ có cuộc sống được mô tả là hạnh phúc và thành đạt với vợ, ca sĩ Thuỷ Tiên. Ở tuổi 31 (Công Vinh sinh năm 1985), anh được đánh giá là có mọi thứ mà bất kỳ một người đàn ông, một cầu thủ nào cũng mong muốn.
Mời quý độc giả xem video Màn trình diễn của Xuân Trường (nguồn Youtube):