Điều này không quá phức tạp nếu tìm hiểu qua những thông tin trên internet. Nếu khách hàng là người thiếu kinh nghiệm, không biết nhiều về lĩnh vực điện máy thì nguy cơ bị thợ sửa chữa điều hòa lừa gạt càng lớn. Họ áp dụng các mánh khóe tinh vi, từ đó, nhét túi thêm bạc triệu.
Chọn thợ sửa điều hòa uy tín để tránh bị "chặt chém".
Các chiêu mà thợ sửa chữa điều hòa hay áp dụng là sử dụng các loại vật giá rẻ như dây điện, ống đồng kém chất lượng rồi báo giá cao, hay báo gas yếu phải bổ sung gas mới… Người dùng cần cảnh giác, giám sát thợ lắp đặt để không bị lừa.
Người dùng cần lưu ý, sau khi sửa chữa bảo dưỡng, yêu cầu thợ chạy thử. Thông thường để máy làm việc tốt nhất thì phải dùng máy hút chân không để hút các khí trong đường ống ra ngoài, độ chân không càng cao càng tốt hay hút càng kiệt không khí càng tốt. Hiện nay, một số thợ không hút chân không dùng môi chất trong máy để đẩy không khí ra ngoài. Phương pháp này đơn giản nhưng không thể đẩy hết không khí ra ngoài được. Do đó, chúng ta phải xem thợ thực hiện thời gian đẩy không khí là bao nhiêu, nếu đẩy nhiều không khí tức là mất một lượng gas trong máy. Khi đó cần có thể phải bổ sung thêm gas vào máy.
Để kiểm tra mức độ lạnh của máy thì đơn giản cho gió thổi trực tiếp vào người hoặc theo dõi sau khoảng 30 phút mà lạnh đều được trong phòng thì có thể coi như quá trình lắp đặt đạt yêu cầu..
Người sử dụng cần yêu cầu thợ hướng dẫn kỹ cách sử dụng các nút điều chỉnh trên mặt điều khiển vì thực tế nhiều người bấm nhầm và có lúc có hại cho máy. Nên yêu cầu thợ thử tất cả các nút trên mặt điều khiển như chỉnh nhiệt độ lên xuống, chỉnh góc quay, tốc độ của quạt xem có hoạt động bình thường không. Muốn kết luận một máy lắp có ổn định không nên theo dõi trong vòng 6-12 tiếng. Để bảo đảm an toàn nên lắp thiết bị bảo vệ riêng cho máy điều hòa.
Việc bảo dưỡng điều hòa đúng cách có thể tiết kiệm được một lượng điện tiêu thụ đáng kể. Có thể tính công thức điện năng tiết kiệm được khi tăng nhiệt độ điều hòa như sau: Phần trăm tiết kiệm = (nhiệt độ mới - nhiệt độ cũ): (nhiệt độ bên ngoài - nhiệt độ cũ) x 100.
Ví dụ, nếu nhiệt độ bên ngoài là 37 độ C, tăng điều hòa từ 20 lên 25 độ C, bạn sẽ tiết kiệm được: (25 - 20) : (37-20) x 100 = 29,4%. Nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời chênh lệch càng lớn, điện năng tiêu thụ càng nhiều.
Bổ sung gas dù không cần thiết
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, khi bảo dưỡng, thợ thường nói là thiếu gas và cần nạp bổ sung. Tiền gas thường cao gấp mấy lần tiền vệ sinh bảo dưỡng. Thực tế, trong các nguyên nhân điều hòa kém lạnh, không có nguyên nhân gas yếu.
Về nguyên tắc, khi lắp đặt máy, lượng nạp đã được kiểm tra cẩn thận, thừa thì đã xả bớt ra, thiếu thì đã nạp thêm vào; và khi các mối nối loe vặn chặt theo đúng moment lực yêu cầu (mỗi cỡ loe có moment lực yêu cầu khác nhau, vặn lỏng quá mối loe có thể chưa kín hẳn, vặn chặt quá mối loe có thể bị gãy) thì coi như kín hoàn toàn và máy sẽ vận hành trong nhiều năm (15-20 năm) đến hết tuổi thọ không cần nạp thêm, nạp lại.
Máy bị kém lạnh do thiếu gas chỉ khi dàn và đường ống bị thủng, rò rỉ do bị rỉ sét hoặc do bị rung, va chạm, gãy, sây sát ống và mối nối loe không kín… Thực ra đã bị rò rỉ thì máy sẽ mất lạnh hoàn toàn sau kỳ nghỉ đông dài ngày chứ vô cùng hãn hữu tình trạng "kém lạnh" nữa.
Người dùng có thể tự thử xem điều hòa có bị yếu gas không bằng cách cài đặt máy hoạt động bình thường. Đặt nhiệt độ phòng 27 độ C, tốc độ gió cao nhất, cho chạy ổn định khoảng 30 phút thì dàn lạnh lạnh đều, nhiệt độ dàn trên tất cả các hàng ống khoảng 5 độ C, đầu ra hàng ống cuối cùng khoảng 10 độ C; dàn nóng nóng đều (tất cả các hàng ống nóng đều) và có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường khoảng 15 độ C, đầu ra hàng ống cuối cùng cao hơn nhiệt độ môi trường 10 độ C. Nếu không thể kiểm tra nhiệt độ các ống dàn nóng thì chỉ cần kiểm tra nhiệt độ dàn lạnh là đủ để kết luận.
Máy điều hòa thiếu gas nếu trong điều kiện cài đặt máy như trên, nhiệt độ dàn lạnh không đồng đều, đầu dàn thì lạnh, có thể có tuyết bám nhưng giữa dàn và cuối dàn thì không lạnh; dàn nóng không nóng đều, chỉ nóng một vài hàng ống đầu tiên còn các hàng ống phía sau không nóng. Dàn nóng càng ít nóng thì gas càng thiếu. Nếu máy điều hòa hết gas, dàn lạnh và dàn nóng hoàn toàn mất lạnh, máy nén chạy rất êm.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, cục nóng, giàn nóng điều hòa cũng cần được bảo dưỡng định kỳ. Với nhà cao tầng, ít bụi, gần hồ, chỉ cần bảo dưỡng 1 lần/năm. Nhà gần đường, nhiều bụi thì phải bảo dưỡng 2-3 lần năm. Bụi bẩn làm tắc nghẽn giàn nóng, khiến không giải nhiệt được dễ gây cháy. Cách bảo dưỡng đơn giản nhất là gọi dịch vụ chuyên nghiệp. Trường hợp tự bảo dưỡng ở nhà có thể thực hiện đơn giản bằng cách xịt dung dịch nước rửa bát pha loãng với nước vào giàn nóng, để 5-10 phút sau đó xịt sạch bằng bình xịt có áp lực nước cao để bụi bẩn bị cuốn trôi.