Quảng cáo trá hình
Chị Nguyễn Thị Ánh, hiện sinh sống và làm việc tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội phản ánh thời gian gần đây thường xuyên nhận được thông báo chuyển khoản tới tài khoản ngân hàng của chị, tuy nhiên số tiền chuyển khoản thấp đến kỳ lạ, chỉ 01 đồng.
Lạ ở chỗ, từ trước đến nay chị Ánh vẫn thường xuyên giao dịch chuyển khoản, nhưng mức giao dịch thấp nhất có thể thực hiện là 1.000 đồng. Bên cạnh đó, các tin nhắn chuyển khoản 01 đồng này thường đính kèm những đường link lạ, do cẩn trọng, chị Ánh cũng chưa bao giờ dám click vào các đường link này.
Nhận được những tin nhắn chuyển khoản chỉ 01 đồng khiến nhiều người hoang mang |
Thông thường, nội dung chuyển khoản sẽ là các quảng cáo. |
Tương tự chị Ánh, anh H.A.V, làm việc tại một phòng khám đa khoa tại quận 12 thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ chuyện có khoảng hơn chục lần tài khoản ngân hàng mà anh đang sử dụng nhận được 01 đồng. "Thời gian chuyển khoản không cố định. Có khi là buổi sáng, nhiều lần vào buổi tối", anh V cho hay.
Đồng thời, các tin nhắn này cũng thường đính kèm các đường link dẫn đến các trang cá độ, cờ bạc hay thậm chí là dịch vụ nhạy cảm.
Liên quan đến những giao dịch 01 đồng, anh Lê Quang Thương, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở quận 1, TP HCM cho rằng: "Bên cạnh một số ngân hàng chỉ cho phép số tiền giao dịch ở hạn mức tối thiểu 1.000 đồng/lần thì cũng có đơn vị đồng ý việc chuyển khoản 1 đồng. Thực chất, việc chuyển khoản 1 đồng chính là chiêu quảng cáo của những ứng dụng bài bạc, lô đề hoặc các dịch vụ trái pháp luật, bị cấm kinh doanh.
Khi chuyển khoản 1 đồng, những nhân viên của các ứng dụng ấy sẽ gởi kèm nội dung chèo kéo, rủ rê, chiêu dụ sử dụng dịch vụ. Nếu tò mò xem trang web đó, ứng dụng ấy là gì thì rất dễ trở thành "con bạc" hoặc bị "dẫn lối" tham gia những dịch vụ nhạy cảm".
Nhận được tiền lạ phải làm gì?
Tại trang diễn đàn chongluadao.vn không ít người dùng cho biết mình nhận được chuyển khoản lạ 1 đồng, thậm chí đồng suốt thời gian dài. Một số trường hợp cho biết gặp khá nhiều rắc rối khi nhận được chuyển khoản từ một người lạ.
Chị Trịnh Thu Hương (Hà Nội) mới đây bất ngờ nhận được một khoản tiền lạ không rõ từ đâu. 2 tuần sau chị Hương bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một nhân viên thu nợ yêu cầu trả số tiền kèm một khoản lãi lớn. Nếu không trả sẽ bị phát tán hình ảnh cá nhân trên zalo, facebook, tiktok... cho họ hàng, bạn bè.
Tại diễn đàn chongluadao.vn một nạn nhân cho biết, sau khi bất ngờ nhận được số tiền lạ chuyển vào tài khoản, một người nước ngoài liên hệ giới thiệu mình chuyển nhầm. Người này sau đó đề nghị nạn nhân truy cập vào một đường link để chuyển tiền ra nước ngoài. Sau khi truy cập khai báo thông tin theo hướng dẫn thì phát hiện số tiền trong tài khoản của mình đã bị rút sạch.
Theo cơ quan công an, tình hình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng gần đây có dấu hiệu gia tăng, người dân cần phải đề phòng, cảnh giác. Khi nhận được tiền từ tài khoản của người lạ, cần nhanh chóng trình báo cho cơ quan chức năng, công an phường, ngân hàng để phối hợp giải quyết.
Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận cần lưu ý không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Không ít trường hợp nhận phải tiền chuyển từ những người lạ "đáng nghi". |
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Năm Châu) cho biết: Nhận được tiền qua tài khoản của người khác chuyển nhầm người dân cần báo cho cơ quan chức năng để trả lại cho chủ sở hữu. Đồng thời loại trừ được khả năng trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự quy định: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Trường hợp, người dân cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm thì bị xử lý theo quy định tại Điều 176 BLHS năm 2015, tội chiếm giữ trái phép tài sản:
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, dù trong bất kỳ trường hợp nào, khi nhận được một số tiền lạ đến từ một tài khoản không quen biết, với nội dung không rõ ràng, người nhận cần hết sức thận trọng để tránh rơi vào lưới lừa đảo của kẻ gian, hay tránh được các vấn đề pháp lý liên quan.