Báo động hàng giả thương hiệu lớn trên các kênh thương mại điện tử
Ở góc độ tích cực, dịch COVID-19 là chiếc lò xo giúp thương mại điện tử bật xa hơn dự kiến. Nhu cầu mua hàng online tăng cao, kéo theo số lượng người bán tham gia kênh này cũng bùng nổ. Tuy nhiên, như một điều tất yếu, "chợ" đông thì khó quản. Sự trà trộn của hàng giả, hàng nhái, cũng nhiều hơn. Thậm chí, việc rao bán những loại hàng này còn ngang nhiên và công khai hơn so với thương mại truyền thống.
Theo khảo sát trên một trang thương mại điện tử, túi người bán chỉ ghi là Dio, thiếu chữ R tránh sự kiểm tra, kiểm duyệt của các sàn thương mại điện tử. Giá của chiếc túi xách hàng hiệu này chỉ có 97.000 đồng.
Cùng một sản phẩm giày hàng hiệu, nhưng người thì bán vài triệu, người lại bán chỉ hơn 200.000 đồng, thậm chí chỉ vài chục nghìn.
Dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua hàng online tăng cao, kéo theo số lượng người bán tham gia kênh này cũng bùng nổ. (Ảnh: Dân trí) |
"Nhiều hãng phản ánh các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước hiện không kiểm soát được việc người bán hàng đưa hàng lên, trà trộn bán sản phẩm giả rất nhiều", ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho biết.
Hiện nay, công cụ chính để các sàn thương mại điện tử và cơ quan chức năng giám sát việc bán hàng giả, nhái trên mạng là công cụ sử dụng "chìa khóa". Thế nhưng, các đối tượng cũng nhanh chóng tìm cách để lẩn tránh.
"Ví dụ như Nike chẳng hạn, họ viết là N.I.K.E, họ thay cái từ khóa đi để không bị phát hiện. Đây nó như trò đuổi bắt. Chúng ta phát hiện ra từ khóa mới là hàng giả, nhái mới cập nhật vào thì họ lại nghĩ ra các từ khác", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ.
Lợi dụng dịch vụ bưu chính để buôn bán hàng giả, hàng lậu
Để kết nối nhu cầu hàng giả, hàng nhái giữa người bán và người mua mà không bị các cơ quan chức năng để ý, không gì tiện lợi hơn là qua dịch vụ bưu chính, người bán cũng yên tâm hơn vì khó lần ra danh tính thực của mình.
Thực tế, hầu như ai cũng có thể gửi và nhận những bưu kiện được vận chuyển qua đường bưu chính. Những bưu kiện được vận chuyển trên đường rất ít khi bị cơ quan chức năng kiểm tra. Lợi dụng việc này, không ít đối tượng đã lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng giả, nhái, lậu, thậm chí là hàng cấm.
Dịch vụ bưu chính đang bị các đối tượng lợi dụng như một phương thức vận chuyển mới cho việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu. (Ảnh: Dân trí) |
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong vận chuyển hàng lậu với quy mô lớn. Cơ sở này nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 100.000 sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ.
Theo Luật Bưu chính, người gửi bưu kiện phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng có khi địa chỉ của người gửi chỉ ghi chung chung, thậm chí không có thật, nên các cơ quan chức năng khó xử lý tận gốc.
Đánh giá trực tuyến tăng tỷ lệ mua hàng lên 380%
Với số lượng đầu mối bán hàng cực lớn như hiện nay, những người bán trên các kênh thương mại điện tử sẽ sinh tồn như thế nào? Những lợi thế cạnh tranh như: nguồn hàng, giá thành, hay uy tín là điều ai cũng muốn hướng đến, nhưng còn có một chiêu rất khác so với thương mại truyền thống, đó là nếu không tự mình nâng được chất lượng lên, thì sẽ dùng tiền để mua đánh giá. Cách thức phổ biến nhất hiện nay là mua bài và chấm sao. Trên thế giới, tình trạng này đã xuất hiện từ sớm và cũng đã có nhiều nghiên cứu về nó.
Theo kết quả nghiên cứu hành vi người dùng Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu Spiegel thuộc Đại học Northwestern, các bài đánh giá trực tuyến có khả năng tăng tỷ lệ mua hàng đến 380%, một miếng mồi béo bở, dẫn đến một vấn đề đang "âm thầm" xảy ra trên các sàn thương mại điện tử, điển hình trên Amazon, đó là "review giả".
Một cuộc điều tra mới đây của CNBC cho thấy, người bán hàng trên Amazon sẽ liên lạc với bên chuyên viết đánh giá qua mạng xã hội. Họ đưa ra trao đổi, ở đây là tiền, hoặc quà tặng để bên viết đánh giá "giả vờ" mua hàng, sau đó đánh giá 5 sao cho sản phẩm và đưa ra những nhận xét vô cùng tốt, kể cả khi chất lượng của sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Theo nghiên cứu của BuzzFeed, tăng 1 sao trong xếp hạng sản phẩm trên Amazon sẽ giúp doanh số bán hàng tăng đến 26%.
Thực trạng đánh giá giả trên các trang thương mại điện tử tại Việt Nam
Tình trạng đánh giá giả không chỉ xảy ra với các sàn thương mại lớn trên thế giới, mà ngay tại Việt Nam, các hình thức đánh giá giả cũng rất muôn hình vạn trạng.
Lướt nhanh và gõ từ khóa tìm kiếm "hội tăng lượt theo dõi bán hàng" trên Facebook", nhiều kết quả hiện ra, như: "Tăng Like-Tăng Tương Tác Hỗ Trợ Bán Hàng Online", cho đến "nhóm giúp đỡ nhau tăng tương tác bán hàng online", với mức giá đa dạng.
Một vấn đề đang "âm thầm" xảy ra trên các sàn thương mại điện tử đó là "review giả". (Ảnh minh họa: NLĐ) |
Theo quy định, để có thể đánh giá sao hay bình luận về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, người mua phải chốt một đơn hàng và được giao thành công. Vậy những hội nhóm này làm như thế nào mà vẫn tạo ra giao dịch, từ đó có đủ điều kiện để tạo ra những bình luận giả?
- Cách 1: Sản phẩm thật, giao dịch cũng là thật, nhưng tất cả các đơn hàng sẽ được chuyển đến một địa chỉ nhất định và chúng quay vòng, trả lại cho bên bán.
- Cách 2: Giao dịch vẫn là thật nhưng sản phẩm là giả. Bên bán chỉ cần chuyển những hộp rỗng đến bất cứ địa chỉ người quen nào. Tất nhiên đơn hàng vẫn được xem là giao thành công.
- Cách 3: Tinh vi hơn, các hội nhóm bình luận giả móc nối với bên giao nhận của chính các sàn thương mại điện tử. Khi đó, chỉ cần một cú click chuột là món hàng đã được chuyển trên hệ thống thành công.
Thậm chí, theo chia sẻ của một người chuyên cày review giả trên mạng, hiện một số sàn thương mại đang áp dụng chính sách, đó là cho phép người tiêu dùng chưa cần mua hàng đã có thể bình luận về sản phẩm nhằm cạnh tranh lôi kéo khách hàng. Điều này là lỗ hổng khiến các hội nhóm tạo bình luận giả càng hoạt động mạnh.